Nghệ nhân Triệu Đình Lợi, xóm Làng Gầy, xã Phúc Chu (Định Hóa), là một trong số ít người dành nhiều tâm huyết để chế tác cây đàn tính truyền thống với mong muốn gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Nhiều năm nay, ông đã tự mày mò để chế tác ra hàng nghìn cây đàn tính.
Nghệ nhân Triệu Đình Lợi chế tác bầu đàn tính. |
Từ nhỏ, ông Lợi đã được đắm mình trong những câu then, tiếng đàn tính của các bà, các mẹ. Những ngày lễ hội, chúc thọ hay lên nhà mới, ông thường theo các cụ đi khắp các bản làng trong vùng nghe hát. Cứ như vậy, những câu hát then và tiếng đàn tính thấm sâu vào tâm trí và nuôi dưỡng tâm hồn ông.
Năm 1978, ông đi học ở Trường Sơ cấp Văn hóa Nghệ thuật Khu tự trị Việt Bắc và về làm công tác văn hóa ở huyện Định Hóa. Được học hành bài bản và công tác đúng với nguyện vọng của mình, ông Lợi đã phát huy năng khiếu hát then và sáng tác nhiều bài then cách tân.
Yêu câu hát then, ông càng thêm gắn bó với cây đàn tính của cha ông và tìm hiểu kỹ về loại nhạc cụ này. Ông chia sẻ: Đàn tính chính là vẻ đẹp đặc trưng của âm nhạc văn hóa Tày của chúng tôi. Cây đàn được người dân tộc Tày gìn giữ cẩn thận, trở thành vật linh thiêng của các nghệ nhân. Còn đối với những người bình thường, cây đàn trở thành “người bạn tri ân” để bộc bạch nỗi lòng những lúc vui, buồn.
Từ năm 1982, ông đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, học cách làm ra những cây đàn tính đầu tiên. Cầm cây đàn trên tay, ông Lợi giải thích: Đàn tính gồm ba bộ phận chính: Bầu đàn, cần đàn, dây đàn đều được chế tác thủ công. Trong đó, quan trọng nhất khi chế tác cây đàn là bầu đàn (hộp phát âm). Tuy đơn giản, thô sơ, nhưng phải chọn được quả bầu già, tròn đẹp, to vừa phải, vỏ dày, gõ vào phải kêu đanh thì đàn mới có âm sắc chuẩn. Sau khi cưa quả bầu bỏ đi 1/3, tôi tách hột, ngâm nước hai tuần. Ngâm nước xong, tôi tiếp tục dùng xơ mướp đánh nhẵn phần vỏ phía ngoài rồi mới phơi khô.
Công đoạn tiếp theo là làm nắp đàn. Nắp đàn là một tấm gỗ nhẹ, mỏng, ông Lợi phải mài mịn sau mới gắn keo. Với đàn tính, một bộ phận khác không kém phần quan trọng chính là cần đàn, phải được làm từ loại gỗ nhẹ, bền, không bị mọt và được làm nhẵn, chạm khắc tỉ mỉ.
Giữa độ dài của cần đàn và độ lớn của bầu đàn cũng cần có sự tương đồng phù hợp, nếu cần đàn dài mà bầu đàn nhỏ quá thì chất lượng âm thanh giảm đi, không chuẩn. Sau khi lắp cần đàn vào bầu đàn, ông Lợi mới đục lỗ thoát âm thanh, lên dây đàn.
Đàn tính là loại nhạc cụ khó chế tác, vì vậy, bên cạnh khéo tay thì còn phải thực sự kiên trì thì mới làm ra những cây đàn chất lượng tốt. Ông Lợi thường mất hai ngày mới làm xong 1 cây đàn tính sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên vật liệu. Năm nay, tuy đã gần 70 tuổi, nhưng đôi bàn tay của ông vẫn rất nhanh nhẹn, chắc khỏe. Trung bình mỗi năm, ông làm được trên 100 cây đàn tính.
Mỗi một cây đàn đẹp, được đẽo, gọt tỉ mỉ, nhẹ và âm thanh tốt, ông Lợi thường bán được trung bình 600 nghìn đồng. Người mua đàn của ông Lợi chủ yếu là người yêu thích nghệ thuật hát then trong vùng, ông cũng có khách hàng là học sinh, sinh viên ở các trường văn hóa nghệ thuật…
Ông Lợi cho biết thêm: Ở Định Hóa có nhiều người thích hát then, trong đó cũng có nhiều người trẻ. Nhiều người biết hát then thì cũng nhiều người cần cây đàn tính. Đó là niềm động viên tôi tiếp tục công việc sản xuất đàn để bảo tồn và lưu giữ cây đàn tính, lưu giữ vẻ đẹp đặc trưng của văn hóa Tày.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin