Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) luôn phải đối mặt với rủi ro về pháp lý trong quản lý, điều hành, giao dịch, sử dụng lao động… Đặc biệt, các DN nhỏ và vừa hầu hết không có bộ phận pháp chế, năng lực, khả năng tiếp cận pháp luật hạn chế.
Công nhân làm việc tại Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Trung Thành (TP. Sông Công). |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 8.800 DN đăng ký thành lập, trong đó, DN nhỏ và vừa chiếm trên 90%. Nhìn chung, các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh đều được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật, ngoài ra còn được hưởng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của tỉnh.
Cùng với đó, hoạt động giải đáp pháp luật cho DN được các sở, ngành, chính quyền các cấp của tỉnh triển khai qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử, điện thoại. Các sở, ngành cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hoạt động của các DN còn có những khó khăn nhất định trong việc tiếp cận quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Tổ trưởng tổ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho DN, thông tin: Hầu hết DN chỉ chú trong đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa thành lập bộ phận pháp chế… Trong khi đó, hệ thống pháp luật vẫn còn có điểm bất cập, chồng chéo, phức tạp. Điều này dễ dẫn đến những rủi ro pháp lý, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh, thậm chí là đến sự sống còn của DN. Do đó, nhu cầu được Nhà nước hỗ trợ về pháp lý của các DNNVV là rất lớn và cần thiết. Vậy nhưng, hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN chưa được như mong đợi, hình thức, cách thức hỗ trợ chưa đa dạng, số lượng chưa nhiều. Ngoài ra, tính kết nối giữa các chương trình, đề án với nhau và với hoạt động hỗ trợ pháp lý chưa thật chặt chẽ, thiếu đồng bộ...
Còn ông Bùi Sỹ Dân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Quang Dương Thái Nguyên, cho rằng: Cộng đồng DN rất muốn nắm rõ và hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, nhưng hệ thống văn bản rất rộng, bao trùm, có sự chồng chéo, không rõ ràng… nên cần nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và không khỏi lúng túng khi triển khai. Thậm chí có DN gặp rủi ro, chịu thiệt hại mới nhận thức được. Do đó, chúng tôi rất mong các cơ quan, ban, ngành tập trung nghiên cứu tháo gỡ khó khăn giúp các DN được hưởng lợi từ chính sách đúng, trúng và kịp thời.
Để hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả, thiết thực, cùng với những hoạt động đã và đang triển khai, tháng 9-2022, UBND tỉnh đã thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa, với sự tham gia của 9 thành viên, trong đó Tổ trưởng là Phó Giám đốc sở Tư pháp.
Đặc biệt, cuối năm 2022, Sở Tư pháp và Tổ tư vấn đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Một số giải pháp tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Tham dự Hội thảo có đại diện một số sở, ngành, đại diện các hiệp hội, hội DN tỉnh.
Ông Đàm Ngọc Huân, Phó Trưởng Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Sở Tư pháp), thành viên Tổ tư vấn, thông tin: Chúng tôi đang nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ các tỉnh bạn để xây dựng mô hình hỗ trợ áp dụng phù hợp, hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các cơ quan tham mưu, Tổ tư vấn hỗ trợ pháp lý sẽ tập trung vào các giải pháp như: Thay đổi nhận thức về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN cả từ phía cơ quan nhà nước lẫn DN trên tinh thần tự nguyện và hợp tác cùng có lợi. Có cách thức hỗ trợ phù hợp với nhu cầu và đặc thù hoạt động của từng DN, cũng như cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số. Chúng tôi cũng mong rằng, các tổ chức đại diện cho DN như các hội, hiệp hội DN thể hiện rõ vai trò trong hoạt động hỗ trợ pháp lý, là cầu nối để các cơ quan nhà nước tiếp cận thực hiện những nội dung hỗ trợ pháp lý…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin