"Muôn kiểu" khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự

Hoàng Anh 11:15, 22/04/2024

Đặc thù của thi hành án (THA) dân sự là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích, tài sản của người phải thi hành lẫn người được thi hành. Trong khi người được THA muốn quyền lợi của mình sớm được đảm bảo, thực thi, thì đương sự lại thường tìm cách chống đối, cản trở làm kéo dài việc THA. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến khiếu nại, tố cáo (KN-TC) trong THA dân sự, khiến nhiều vụ việc trở nên phức, kéo dài, khó giải quyết.

Một buổi tiếp công dân tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên.
Một buổi tiếp công dân tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên.

Nói về KN-TC trong THA dân sự, ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Phòng Giải quyết KN-TC (Cục THA Dân sự tỉnh), chia sẻ: Số lượng đơn thư KN-TC so với việc thụ lý, giải quyết THA mỗi năm chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Cụ thể, năm 2023, các cơ quan THA dân sự của tỉnh thụ lý 18 đơn khiếu nại (15 việc); 6 đơn tố cáo (6 việc). Còn trong 6 tháng (từ 1/10/2023 đến 31/3/3024), tổng số đơn khiếu nại thụ lý là 6 đơn (5 việc) và đơn 2 tố cáo (2 việc), trong khi số việc phải THA lên tới hàng nghìn. Mặc dù ít nhưng vụ việc KN-TC thường có tính chất phức tạp, gay gắt. Thậm chí có trường hợp biết rõ mình phải THA là đúng nhưng vẫn cố tình chống đối, gửi đơn KN-TC nhằm kéo dài thời gian, làm chậm quá trình tổ chức cưỡng chế THA. 

Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, nội dung KN-TC chủ yếu là phản đối việc cưỡng chế giao tài sản; không đồng tình nội dung bản án; chấp hành viên chậm tổ chức THA, không thực hiện đúng, đầy đủ thủ tục, thậm chí có trường hợp còn tố cáo chấp hành viên, thủ trưởng đơn vị.

Chẳng hạn như trong 2 đơn tố cáo phát sinh tại Chi cục THA dân sự huyện Định Hóa và TP. Sông Công xảy ra trong 6 tháng đầu năm nay, người tố cáo đều là đương sự phải THA. Để cản trở, kéo dài việc cưỡng chế THA với tài sản của mình, họ đã làm đơn tố cáo chấp hành viên thực hiện không đúng quy định, tố cáo chi cục trưởng có hành vi bao che cho chấp hành viên trong tổ chức cưỡng chế THA. Tuy nhiên, qua xác minh cho thấy, nội dung tố cáo là không đúng và ra kết luận giải quyết.

Một điển hình khác vụ việc của ông N.V.T. ở Đại Từ. Vụ việc trở thành phức tạp, kéo dài do T. chống đối, gửi đơn KN-TC vượt cấp đến nhiều cơ quan nhằm trì hoãn, gây khó khăn, cản trở quá trình THA. Đương sự còn tố cáo Chi cục trưởng THA dân sự huyện Đại Từ và chấp hành viên thụ lý vụ việc nhận hối lộ kèm theo bằng chứng, tài liệu giả.

Theo đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, xác minh. Kết quả giám định khẳng định các tài liệu do ông T. cung cấp bị làm giả. Với hành vi tố cáo sai sự thật, làm giả hồ sơ, ông T. đã bị truy tố về tội “Vu khống” và phải trả giá bằng án phạt 2 năm tù. Cuối cùng tài sản của ông T. vẫn bị cưỡng chế THA theo quy định của pháp luật.

Một cuộc cưỡng chế thi hành án phải huy động lực lượng liên ngành tham gia.
Một cuộc cưỡng chế thi hành án phải huy động lực lượng liên ngành tham gia.

Hiện nay, các cơ quan THA dân sự vẫn phải tập trung xử lý một số đơn phức tạp, kéo dài, thậm chí có những vụ việc đã kéo dài nhiều năm. Điển hình là vụ Võ Khánh Dương - Nguyễn Thị Quỳnh Anh. Đây là vụ việc phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều người với số tiền phải thi hành trên 100 tỷ đồng. Tài sản kê biên (từ năm 2009) là các bất động sản do phạm tội mà có.

Tuy nhiên, do sai phạm từ việc giải tỏa kê biên của cơ quan có thẩm quyền, Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh đã chuyển nhượng toàn bộ tài sản cho người thứ ba. Đến khi tổ chức THA, các tài sản đã được chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng cho nhiều người. Do đó, việc THA gặp khó khăn bởi những người có quyền lợi liên quan gửi đơn KN-TC đến các cấp, ngành có thẩm quyền. Đến nay, vụ việc đang được các cấp, ngành liên quan phối hợp, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, cái khó trong giải quyết KN-TC là phải có đủ căn cứ pháp luật, vừa đảm bảo quyền của người KN-TC, vừa bảo vệ lợi ích của người bị KN-TC. Do vậy, sau khi tiếp nhận đơn, người được giao giải quyết phải nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn, các quy định, quy trình pháp luật để vận dụng đối với từng trường hợp cụ thể sao cho “thấu lý, đạt tình”.

Bên cạnh đó, các cơ quan THA dân sự cần thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn người dân chấp hành các quy định, thủ tục theo quy định của pháp luật tránh KN-TC vượt cấp, kéo dài.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân cũng rất quan trọng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để người dân hiểu và chấp hành đúng các quy định của pháp luật về THA dân sự…