Bài 1: Bắt Tổng giám đốc Tâm Lộc Phát - Nhiều nhà đầu tư Thái Nguyên lao đao

Nhóm Phóng viên 16:44, 21/04/2024

Tổng giám đốc Công ty cổ phần (CP) Tập đoàn Tâm Lộc Phát là Nguyễn Thị Khuyên (sinh năm 1983) vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội bắt giữ với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản (theo điều 174 Bộ luật Hình sự). Cùng bị bắt có Văn Đình Toàn (sinh năm 1982), Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tâm Lộc Phát.

Chi nhánh của Tâm Lộc Phát tại số 17, đường Phù Liễn, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên được đăng ký thành lập sau khi Báo Thái Nguyên có bài phản ánh về một số địa điểm kinh doanh không phép. Ảnh chụp lúc 15 giờ 45 phút ngày 21/4/2024.
Chi nhánh của Tâm Lộc Phát tại số 17, đường Phù Liễn, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên được đăng ký thành lập sau khi Báo Thái Nguyên có bài phản ánh về một số địa điểm kinh doanh không phép. Ảnh chụp lúc 15 giờ 45 phút ngày 21/4/2024.

Tại Thái Nguyên, Công ty này có 1 chi nhánh và 2 địa điểm kinh doanh (có đăng ký kinh doanh) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chi nhánh được mở tại số 17, đường Phù Liễn, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên, do ông Vũ Đức Toàn, sinh năm 1950, xã Linh Sơn, TP. Thái Nguyên đứng đầu (đăng ký lần đầu ngày 5/4/2023). Hai địa điểm được mở: (1) tại số nhà 338, đường Cách mạng Tháng Tám, tổ 13, phường Thắng Lợi, TP. Sông Công (do ông Nguyễn Văn Cương, sinh năm 1956, xã Thành Công, TP. Phổ Yên đứng đầu, đăng lý thành lập lần đầu ngày 1/8/2022, đăng ký thay đổi lần 1 ngày 27/12/2022); (2)  tại số nhà 26, đường Thắng Lợi, tổ dân phố Cầu Gáo, phường Bách Quang, TP. Sông Công (do ông Nguyễn Đắc Trường, sinh năm 1982, tổ 10, phường Bách Quang, TP. Sông Công đứng đầu, đăng ký thành lập ngày 11/4/2023).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có một số địa điểm hoạt động mang danh Tâm Lộc Phát nhưng không đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng, trong đó có 1 địa điểm ở số nhà 49, tổ 7, phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên.

Trước đó, từ tháng 3-2023, qua nắm bắt và tìm hiểu về hoạt động, cách thức huy động vốn… của doanh nghiệp này trên địa bàn tỉnh, Báo Thái Nguyên đã có nhiều bài viết cảnh báo về sự bất thường và có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động của Công ty và các chi nhánh, địa điểm hoạt động của Tâm Lộc Phát. Cụ thể, ngày 17/3/2023, Báo Thái Nguyên có bài viết “Cẩn trọng khi góp vốn vào Tâm Lộc Phát”; ngày 20/3/2023 có bài “Góp vốn vào Tâm Lộc Phát: Không thể đạt siêu lợi nhuận”; ngày 30/3/2023 là bài “Nhiều cơ sở của Tâm Lộc Phát tại Thái Nguyên hoạt động không phép”. Loạt bài viết này đã phân tích, mổ sẻ và khẳng định không thể có một công ty nào làm ăn chân chính mà có thể trả lãi cao bất thường lên tới 115%/năm như ở Tâm Lộc Phát. Qua đó, nhằm để người dân hiểu và không sa vào bẫy của Tâm Lộc Phát và những người môi giới của Công ty này.

Mặc dù không có con số thống kê chính thức về lượng tiền cũng như lượng người trên địa bàn tỉnh đã đầu tư vào Tâm Lộc Phát thông qua hợp đồng góp vốn, song qua tìm hiểu của chúng tôi, con số này là không hề nhỏ. Người ít thì một vài chục triệu, người nhiều lên tới cả tỷ đồng. Có người góp vốn ngay từ đầu đã lấy hết được 1 vòng (15 tháng). Tuy nhiên, do được hưởng siêu lợi nhuận nên đa phần những người này dù chưa hết vòng cũ đã tham gia tiếp vòng mới, mới số tiền lớn hơn để được hưởng nhiều ưu đãi hơn. Chính vì thế, có người số tiền gửi ban đầu chưa nhiều, nhưng sau tăng dần, nên mới lên tới vài trăm, thậm chí cả tỷ đồng.

Trên thực tế, không phải đến thời điểm này Tâm Lộc Phát mới rơi vào tình trạng khó khăn, mà ngay từ tháng 7-2023, nhiều nhà đầu tư đã không còn nhận được tiền trả nợ gốc và lãi theo cam kết. Nhưng phải đến cuối tháng 3-2024, thông tin Tâm Lộc Phát mất hoàn toàn khả năng chi trả ở một số tỉnh mới được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương. Dù vậy, tại Thái Nguyên, thời điểm đó, vẫn có người môi giới của Tâm Lộc Phát tiếp tục huy động vốn và khẳng định Công ty này đang dần khôi phục. Cho đến tận khi người đứng đầu Công ty này bị bắt thì các chi nhánh và địa điểm kinh doanh của Công ty này tại Thái Nguyên mới trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Liên lạc qua điện thoại với một số người đại diện chi nhánh, địa điểm đó, chúng tôi đều nhận được câu trả lời đang bận, không ở Thái Nguyên, hầu hết người góp vốn đều đã được trả hết tiền...

Theo kết quả điều tra của cơ quan công an: Tháng 6/2019, Nguyễn Thị Khuyên và Văn Đình Toàn cùng 1 người khác thành lập Công ty TNHH Truyền thông Tâm Lộc Phát do Khuyên làm người đại diện pháp luật, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng nhưng thực tế không góp vốn. Đến ngày 8/6/2021, các đối tượng tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng nhưng không góp vốn và đầu tháng 12 đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Tâm Lộc Phát.

Các đối tượng đã dựng lên mô hình công ty kinh doanh siêu thị tiện ích, công ty sản xuất, kinh doanh quần áo thời trang, đầu tư bất động sản… và sử dụng pháp nhân Công ty Tâm Lộc Phát để huy động tiền của các nhà đầu tư dưới dạng hợp đồng kinh doanh, hợp đồng góp vốn.

Để tạo lòng tin, thu hút các nhà đầu tư, nhóm của Khuyên đã đưa ra phương thức trả tiền môi giới cao cho những người giới thiệu, trả lãi cho nhà đầu tư theo ngày với mức lãi suất rất cao (ví dụ như gửi 20 triệu, ngay từ ngày hôm sau, mỗi hôm người gửi được trả vào tài khoản 80 nghìn đồng, trong vòng 15 tháng, mỗi tháng trả 24 ngày, tổng sẽ được trả là 28,8 triệu đồng). Trên thực tế, số tiền của người gửi sẽ được dùng để trả lãi suất cho những nhà đầu tư sau và cho chính họ.

Tâm Lộc Phát đã thành lập nhiều văn phòng môi giới ở cả miền Bắc và miền Nam. Trong đó, tại miền Bắc, có khoảng 50 văn phòng đại diện Công ty cấp 1, mỗi văn phòng gồm 5 người có nhiệm vụ môi giới, lôi kéo nhà đầu tư bỏ tiền vào Công ty.

Với mỗi hợp đồng ký kết, nhân viên môi giới sẽ được trả 15% giá trị hợp đồng. Văn phòng nào giới thiệu mở thêm được văn phòng khác thì được hưởng thêm 2% từ các hợp đồng của văn phòng mới được thành lập; các văn phòng cấp 2, cấp 3, cấp 4 đều được chia lợi nhuận từ 15% giá trị hợp đồng từ văn phòng cấp 1.

Tại các chi nhánh, địa điểm kinh doanh, các đối tượng có trưng bày một số mặt hàng như: gạo, mì, chè, dầu ăn, nước giặt… để thể hiện có hoạt động kinh doanh, giới thiệu sản phẩm của Công ty.

Cũng theo cơ quan chức năng, tiền thu được từ các hợp đồng đầu tư, sau khi trích lại phần trăm cho các văn phòng sẽ được chuyển vào tài khoản của Công ty Tâm Lộc Phát, tài khoản cá nhân của Khuyên để Khuyên căn cứ theo bảng kê lãi suất của các hợp đồng tiến hành thanh toán tiền lãi cho các nhà đầu tư theo ngày. Số tiền còn lại, Khuyên sử dụng vào mục đích cá nhân và trả lương cho nhân viên Công ty.

Theo cơ quan công an: Tính từ năm 2019 đến nay, các đối tượng đã huy động được hơn 5.100 tỷ đồng từ các nhà đầu tư. Từ tháng 9-2023 đến nay, Khuyên không trả được lãi như cam kết, mất khả năng chi trả và chiếm đoạt trên 1.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, đồng thời, khuyến cáo các nhà đầu tư làm đơn tố cáo, trình báo đến cơ quan điều tra.