Giúp người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng

Trinh An 16:41, 21/04/2024

Thực tế cho thấy, việc sa chân vào “vũng lầy” của ma túy đã khiến không ít người lâm vào tình cảnh kiệt quệ về sức khỏe và tan cửa, nát nhà. Tại huyện miền núi Định Hóa, việc điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone đã trở thành “phao cứu sinh” cho nhiều người nghiện ma túy. Từ đó, mở ra cơ hội giúp họ tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời.

Từ đầu năm đến nay, 100% bệnh nhân đăng ký điều trị cai nghiện ma tuý đến điểm uống thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Định Hoá tuân thủ đúng phác đồ điều trị.
Từ đầu năm đến nay, 100% bệnh nhân đăng ký điều trị cai nghiện ma tuý đến điểm uống thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Định Hoá tuân thủ đúng phác đồ điều trị.
Chị Nông Thị Quyên, cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phụ trách lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, tham gia giám sát, quản lý đối tượng điều trị cho biết: Những người hàng ngày đến uống thuốc để điều trị đều là đối tượng tự nguyện, nên họ đến rất sớm. Sau khi uống thuốc, họ có thể trở về tham gia lao động khoẻ mạnh bình thường, đảm bảo đúng giờ và không bị mất thời gian, gián đoạn công việc.

Nhờ hấp thu qua đường uống nên họ tránh được nguy cơ mắc các bệnh qua đường máu như: HIV, viêm gan...  Để duy trì thường xuyên việc uống thuốc hàng ngày theo phác đồ điều trị, ngoài yếu tố tự giác của người bệnh thì cần có sự hỗ trợ của cộng đồng, nhất là người thân thường xuyên theo dõi, đôn đốc người bệnh đến điểm uống thuốc, rồi trở về đúng giờ, không để cách nhật, hay không đúng giờ. Chính vì vậy, nhiều gia đình đã cắt cử người thân (vợ, anh, chị em…) đưa người bệnh đến uống thuốc. Đồng thời, hạn chế người bệnh có cơ hội tiếp xúc với môi trường nguy cơ tái sử dụng ma túy ngoài xã hội.

Nghiện ma túy từ năm 20 tuổi khi theo bạn bè đi làm thuê ở các vùng khai thác khoáng sản trái phép, anh Nông Tiến Đại, ở xã Trung Hội đã có gần 20 năm sử dụng từ thuốc phiện rồi đến heroin. Cũng gần chục năm, anh Đại tìm cách cai nghiện với sự trợ giúp, động viên từ vợ và bố mẹ đẻ và hàng xóm. Đến nay, anh đã ngoài 35 tuổi, sau gần 3 năm điều trị uống methadone, anh Đại đoạn tuyệt với heroin và đã hồi phục khả năng lao động. Anh chia sẻ: Hơn chục năm nghiện ma túy, đôi khi tôi không tin là có ngày mình đoạn tuyệt được với heroin. Nếu Nhà nước không triển khai chương trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone; gia đình, tổ dân phố không động viên thì chắc tôi không thể sống tới ngày hôm nay vì sự hủy hoại của ma túy đối với cơ thể. Còn anh Hoàng Tiến Cường, xã Quy Kỳ là thành viên nhóm đồng đẳng, cũng là bệnh nhân đang điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc Methadone cho rằng: Sự hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội trong việc động viên, giảm kỳ thị, tạo môi trường lành mạnh là yếu tố quan trọng giúp người nghiện từ bỏ ma túy hoặc chuyển sang điều trị bằng thuốc Methadone hiệu quả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hứa Đức Hùng, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Định Hóa nhận xét: Khi triển khai điều trị bằng thuốc Methadone, chúng tôi ưu tiên tiếp nhận hồ sơ, đồng thời vận động người nghiện ma túy đưa vợ, chồng hoặc cha mẹ đến đăng ký và cùng cam kết tuân thủ điều trị. Với cách làm này, bước đầu đã có kết quả tích cực. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện còn 156 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 85 người nghiện ma túy có mặt tại địa phương, giảm 10% so với năm 2022; đã có 33 người cai nghiện tư nguyện. Đặc biệt, người nghiện đăng ký điều trị cai bằng cách uống thuốc Methadone tăng từ 40 (năm 2022) đến nay lên 75 người, 100% tuân thủ quy trình điều trị. Để công tác cai nghiện hiệu quả, thì cộng đồng cần xây dựng môi trường an toàn, không ma túy và không kỳ thị với người điều trị cai nghiện ma túy mà trao cơ hội cho họ việc làm để hoà nhập.