Nghĩ đến thư pháp, tôi nghĩ ngay đến hình ảnh thầy đồ trong lời thơ của cụ Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già”. Và tôi mường tượng thầy đồ chắc hẳn râu tóc bạc phơ, nhưng không, “thầy đồ” Nguyễn Giang Thanh, sinh năm 1984, giáo viên mỹ thuật - âm nhạc của Trường Tiểu học Phú Xá (TP. Thái Nguyên), khá trẻ trung, có phong cách hiện đại và nghệ thuật viết điêu luyện.
Thư pháp giúp anh Thanh thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, đồng thời thể hiện tình yêu của anh với văn hóa Việt. |
Viết để thoả mãn đam mê
Trên ban công tầng 3 của ngôi nhà tại tổ 4, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), anh Thanh bày trí đủ thứ từ mực, nghiên, giấy vẽ và các dụng cụ cần thiết để thoả mãn niềm đam mê thư pháp Việt của mình.
Anh mở đầu câu chuyện: Có người nói tôi hơi lạc hậu khi hoài cổ với bộ môn thư pháp, nhưng đó là sở thích cũng là đam mê của tôi từ năm 2008. Nhưng phải khi theo học liên thông Khoa Sư phạm mỹ thuật ở Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, được đến Văn miếu Quốc tử giám, chứng kiến những ông đồ viết thư pháp, tôi mới quyết định đi học thêm bộ môn này. Năm 2012, tôi cắp bút theo một thầy đồ dưới Hà Nội học thư pháp Việt. Ban đầu, tôi phải mua rất nhiều giấy và mực bút về luyện. Còn nhớ có ngày nghỉ ở nhà luyện quên ăn, quên nghỉ khi đứng lên không đứng dậy được khiến vợ giận. Cô ấy giận tôi không quan tâm đến sức khoẻ, chỉ suốt ngày vẽ vời, thêm phần bực vì tôi mê quá nên đã “đốt” biết bao tiền của gia đình vào giấy mực vẽ.
Từ năm 2013, ngoài vẽ tranh thuỷ mặc, anh bắt đầu tự tin viết chữ thư pháp giới thiệu đến mọi người. Anh không quản ngại lặn lội đường xa lên một số chùa trên Chợ Mới (Bắc Kạn) hay các đền, chùa trên địa bàn tỉnh viết chữ đầu Xuân.
Ban đầu, anh chỉ viết tặng với mong muốn mang lại hạnh phúc, tài lộc, may mắn cho mọi người. Qua năm tháng luyện rèn, nét bút của anh ngày một điêu luyện, có hồn, được nhiều người yêu mến. Không chỉ viết vào dịp lễ, tết theo phong tục tặng chữ lấy may, vài năm gần đây, anh còn viết theo yêu cầu của các khách hàng đặt tranh chữ đi tặng dịp khai trương, vào nhà mới. Anh cũng tham gia với vai trò thầy đồ trong các lễ tri ân cuối năm của các công ty, ngân hàng tổ chức hay dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam ở các trường…
Nét chữ, nết người
Mục sở thị thầy đồ Thanh trong trang phục áo dài ngũ thân viết thư pháp, chúng tôi thấy ở anh dáng vẻ khoan thai, khéo léo cầm bút thảo những câu từ ý nghĩa với động tác điêu luyện. Tôi hỏi:
- Theo anh viết thư pháp Việt khó hay dễ hơn thư pháp Hán?
- Thư pháp chữ Việt phóng khoáng, tự do, phá cách hơn thư pháp chữ Hán. Lối viết thư pháp Việt cũng gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu nên tiếp cận đông đảo người dân. Song viết thư pháp chữ Việt hay chữ Hán đều có cái khó. Đó là người viết phải nắm được quy tắc sử dụng bút đúng và linh hoạt, nếu vận bút không chuẩn sẽ rung tay, nét xiêu vẹo, không đẹp. Một quy tắc nữa là viết đại tự (chữ to, chữ chính) bút lúc nào cũng phải cầm thẳng, điều mực không loãng cũng không được đặc quá để tạo nét đậm nhạt phù hợp, bay bổng.
- Để có những chữ “như rồng múa phượng bay”, ắt hẳn mỗi người viết thư pháp phải rèn luyện rất nhiều?
- Học và viết thư pháp không hề dễ dàng, vì khó nhất là phải làm chủ được cây bút, biết nhấn nhá đậm nhạt, giúp toát lên được cái hồn, thông điệp mà mình gửi gắm qua nét bút gắn với phong cách của mình để không lẫn với ai. Vì thế viết thư pháp không thể nhanh vội theo số lượng bởi “Dục tốc bất đạt” (nhanh quá, nóng vội quá sẽ không thành). Thư pháp đòi hỏi sự khoan thai, kiên nhẫn của người cầm bút.
- Như vậy viết thư pháp cũng chính là rèn tính cách con người?
- Đúng là như vậy! Thư pháp với nghĩa là phép viết chữ mẫu mực, từ cách cầm bút, lấy mực, cho đến viết chữ lên giấy đều cần một sự tập trung nhất định, có một tâm thái vững vàng, theo từng nét mà cấu tứ, bố trí. Quá trình viết thư pháp chính là luyện sự kiên trì, nhẫn nại, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thiện bản thân. Cái hay cái đẹp của thư pháp có được truyền qua từng nét chữ đến với người xem hay không đều xuất phát từ tâm và tài của người cầm bút.
Đúng như chia sẻ của anh, luyện và viết thư pháp đã giúp anh trở thành con người điềm tĩnh, luôn chỉn chu, nỗ lực trong công việc và có nhiều thành công nhất định trong cuộc sống.
Ở Trường, anh là giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua, đảng viên hoàn thành tốt, xuất sắc các nhiệm vụ hằng năm. Ở vai trò người viết thư pháp Việt, anh tự hào khi tranh chữ, câu đối thư pháp của mình được nhiều người yêu mến, treo ở những vị trí trang trọng trong nhà, cơ quan, đơn vị. Mong muốn khi mọi người thưởng chữ của mình sẽ hướng tới những điều tốt đẹp để nỗ lực thay đổi bản thân, chỉnh sửa theo chiều hướng tốt nên anh Thanh luôn đặt chữ tâm hàng đầu mỗi khi viết.
Ví như nói về chữ Nhẫn, anh thường gắn với câu nói “Trăm nghìn sự nhẫn nại, trên dưới hoà thuận”; chữ Học: “Học không chỉ để cho ta, học là để đáp nghĩa mẹ cha công thầy”, là lời răn dạy, động viên các bạn chăm chỉ học tập để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô.
Để có thể viết được những chữ đẹp, lời hay, anh Thanh “giắt lưng” cả vốn ca dao, dân ca, những ngôn từ ý nghĩa. Ban đầu anh cẩn thận ghi chép trong cuốn sổ tay và đến giờ thì đã nằm lòng. Vừa viết, anh có thể đọc vanh vách những đoạn thơ, câu từ ý nghĩa để có thể viết theo mong muốn của người đặt. Như chữ Đức là: “Đức trọng nhân trường thọ/Tâm an Phúc tự lai”; chữ Tâm: “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”; “Tâm an vạn sự thành”; Phúc lộc: “Phúc đầy nhà năm thêm giàu có/Lộc đủ đầy no ấm quanh năm”; Tài: “Bản lĩnh tài năng nên sự nghiệp/Nhân hoà đức độ tạo thành công”…
Lan toả văn hoá truyền thống
Thư pháp chữ Việt là bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc cần được gìn giữ, phát huy. Tuy nhiên, trào lưu thư pháp này ở Thái Nguyên chưa phát triển mạnh như các tỉnh trong Nam. Yêu thư pháp Việt và muốn đam mê này lan toả cùng với mong muốn làm đẹp thêm chữ viết dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, anh Thanh đã kết nối một nhóm những người trẻ đều là giáo viên có tình yêu thư pháp Việt để cùng chia sẻ.
Thầy đồ Thanh (đứng giữa) cùng nhóm yêu thích thư pháp chữ Việt ở Thái Nguyên thường xuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm viết thư pháp. |
Thường vào dịp cuối tuần, anh Thanh lại họp nhóm, mọi người cùng tìm đến những khoảng lặng bình yên cho tâm hồn với hoạt động viết chữ và góp ý cho nhau. Nhiều năm qua, anh Thanh cùng các thầy đồ trẻ đã phối hợp tham gia nhiều sự kiện viết, tặng chữ cho học sinh, cho các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn.
Anh Mai Thanh Tùng, giáo viên Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc có 7 năm gắn bó với thư pháp Việt, chia sẻ: Nói về người trẻ viết thư pháp ở Thái Nguyên có lẽ anh Thanh là số một. Đã có “thương hiệu” nên nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đều muốn mời anh Thanh tham dự các sự kiện. Sinh hoạt cùng nhóm yêu thích thư pháp Việt, tôi đã học hỏi được từ anh nhiều kinh nghiệm viết thư pháp và cả những điều hay trong cuộc sống.
10 năm gắn bó với nghề viết chữ thư pháp Việt, “gia tài” của anh Thanh dày lên với hàng nghìn sản phẩm tranh, liễn, câu đối do chính mình làm ra, vừa có thể tặng bạn bè, người thân, vừa bán cho mọi người có nhu cầu.
Dưới đôi tay của anh Thanh, những câu liễn, câu đối, lá bồ đề, đá phong thuỷ như có thêm sức sống mới. Anh bảo: Thư pháp giúp tôi thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, đồng thời thể hiện tình yêu của tôi với lịch sử, văn hóa Việt. Tôi cũng đang cố gắng kết nối, truyền dạy cho một số học sinh ở các vùng miền theo hướng chia sẻ kinh nghiệm và niềm đam mê, song số người mê bộ môn này thật hiếm.
Tôi thầm nghĩ: Trong nhịp sống hiện đại hối hả, xô bồ ngày nay, những người như anh Thanh, đang miệt mài duy trì, gìn giữ những giá trị hoài cổ, hướng về nguồn cội, thật đáng trân quý!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin