“Út cưng” của Đại đội 915

15:37, 21/04/2018

Sinh ngày 10-8-1956, tham gia thanh niên xung phong (TNXP) tháng 6-1972 (khi chưa đầy 16 tuổi), bà Lý Thị Thầm lúc đó là một đội viên trẻ nhất của Đại đội 915, Đội TNXP 91 tỉnh Bắc Thái. Bà may mắn được trở về lành lặn bởi ngày 24-12-1972 định mệnh đó, dù bà có trong danh sách đi làm nhiệm vụ tại Ga Lưu Xá nhưng bị ốm nặng nên một đồng đội đi thay....`

Cô “út cưng” của đơn vị TNXP năm ấy đã lên chức bà từ lâu, mái tóc đã bạc nhiều, sức khỏe không còn tốt nhưng sâu thẳm trong ký ức của bà vẫn còn in đậm những năm tháng gian khổ mà hào hùng cách đây gần nửa thế kỷ. Sinh ra và lớn lên tại xã Phương Linh, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn), là chị cả và là con gái duy nhất trong gia đình nông dân nghèo có 5 người con, khi đang học lớp 7, cô nữ sinh người dân tộc Tày viết đơn tình nguyện đi TNXP. Vì thiếu tuổi (chưa đủ 18 tuổi) và lúc đó chỉ có 42kg nên cô không đủ tiêu chuẩn tham gia. Bằng nhiều cách không thuyết phục được tổ chức Đoàn xét cho đi, cô gái trẻ chỉ biết khóc và cuối cùng cũng được toại nguyện. Việc này gia đình không hề biết cho đến khi cô nhận tư trang và giấy gọi lên đường.

Lúc cô Lý Thị Thầm tham gia TNXP cũng là thời điểm thành lập Đại đội TNXP 915. Cô được biên chế vào A3 (trực thuộc Đại đội 915), đơn vị gồm 11 đội viên đều là nữ. Những ngày tháng đầu tiên xa nhà, ở một môi trường hoàn toàn mới, dù không quản mọi vất vả, gian lao nhưng nỗi nhớ gia đình khiến cô gái trẻ nhiều lúc không cầm được nước mắt. Nhiệm vụ thường xuyên của cô và các đồng đội là sửa đường, làm đường, đảm bảo giao thông thông suốt (thời điểm cuối năm 1972, đơn vị tham gia làm tuyến đường từ xã Linh Sơn đi thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ). Làm ban ngày, làm cả ban đêm khi không có máy bay địch đánh phá, luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ bất cứ khi nào có lệnh.

Với giọng kể chậm rãi, trầm buồn, bà Lý Thị Thầm hồi tưởng: Cuối năm 1972, Tiểu đội chúng tôi ở trọ cùng một nhà dân tại xã Linh Sơn (nay thuộc T.P Thái Nguyên - PV). Mọi người cùng làm, cùng ăn ngủ, sẻ chia vui buồn với nhau như ruột thịt. Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, chúng tôi rủ nhau ra bến sông Cầu giặt giũ, vui đùa, rủ nhau đi ngắm phố. Tôi là út nên được các chị yêu thương, cưng chiều nhất… Không thể ngờ, buổi tối 24-12-1972 định mệnh đó, 7/9 chị đi làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng hóa tại Ga Lưu Xá đã mãi mãi không trở về vì hầm trú ẩn bị trúng bom địch (cùng với 53 TNXP nữa cũng thuộc Đại đội 915 hy sinh trong đêm Noel).

Đợt đi làm nhiệm vụ tại Ga Lưu Xá hôm đó, bà Thầm cũng có trong danh sách nhưng bị ốm nặng buộc phải có người thay thế. Người chị, người đồng đội là Vũ Thị Hiện xung phong đi thay bà và hy sinh. Nói đến đây, mắt bà Thầm ngấn nước. Bà kể tiếp: Tôi ốm phải ở nhà cùng với chị Hoàng Thị Dung, tối hôm đó, máy bay địch quần thảo nhiều lần, còi báo động vang lên liên tục, hai chị em ôm chặt lấy nhau vì sợ và rất lo cho những đồng đội đang làm nhiệm vụ. Dự cảm không lành. Gần sáng hôm sau, chị Nguyễn Thị Nhung (bị thương) bò về đến nơi báo tin hầm trú ẩn của mọi người bị trúng bom địch, nhiều đồng đội đã hy sinh. Chúng tôi bàng hoàng, ôm chặt lấy nhau mà khóc…

Nén lại đau thương và để xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội, sau sự kiện ngày 24-12-1972, bà Lý Thị Thầm và những đội viên TNXP Đại đội 915 còn lại càng ra sức để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến tháng 4-1973, bà được chọn đi phục vụ xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng trong thời gian này, cô TNXP trẻ ấy đã bén duyên với anh Lê Xuân Thơ hơn mình 3 tuổi và cũng từng là đội viên của Đội TNXP 91 tỉnh Bắc Thái. Cơ ngơi khá khang trang của gia đình bà Thầm hiện nay tại xóm Gốc Vải, xã Yên Đổ (Phúc Lương) là kết quả của sự chắt chiu, chịu thương chịu khó trong nhiều năm từ hai bàn tay trắng của vợ chồng bà.

Con cháu đề huề, điều kiện kinh tế cũng không còn khó khăn và đã có thể an hưởng tuổi già, cuộc sống hiện tại là vậy nhưng hễ nhớ đến những đồng đội đã hy sinh là bà Thầm lại có cảm giác đau nhói trong tim. “Cô út” ngày ấy giờ càng hiểu rõ giá trị của sự hy sinh và giá trị của từng ngày được sống./