Ông cha ta đánh giặc: Dùng thước tre... tính vận tốc máy bay địch!

Theo qdnd.vn 11:07, 07/05/2023

Đại tá, cựu chiến binh Trần Liên, nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Ra-đa, năm nay đã bước sang tuổi 96 nhưng vẫn nhớ như in về Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây gần 70 năm.

Đại tá, cựu chiến binh Trần Liên (bên trái) và đồng đội.
Đại tá, cựu chiến binh Trần Liên (bên trái) và đồng đội.

Câu chuyện về nghiên cứu quy luật hoạt động của máy bay địch để tiêu diệt chúng hiệu quả mà ông cùng các đồng đội ở Trung đoàn Pháo cao xạ 367 thực hiện trong Chiến dịch Điện Biên Phủ khiến chúng tôi thực sự khâm phục.

Đầu tháng 1-1954, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 nhận lệnh vào vị trí tập kết bí mật ở Tuần Giáo để phối thuộc cho Đại đoàn 351. Đây là lần đầu tiên Trung đoàn tham gia đánh máy bay địch nên chưa có nhiều hiểu biết về hoạt động tác chiến của không quân Pháp. Khi cán bộ, chiến sĩ đơn vị học bên nước bạn chỉ có các tài liệu huấn luyện số liệu của máy bay phản lực F-84, F-86 của Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên, nay có nhiều loại máy bay của quân đội Pháp như: Dakota, B-24, B-26, Hellcat, Bearcat, Moranne..., Trung đoàn xác định muốn chắc thắng nhất thiết phải có những tham số hoạt động của không quân địch.

Tranh thủ khi chưa nổ súng mở màn chiến dịch, Ban Tham mưu Trung đoàn Pháo cao xạ 367 cử một tổ trinh sát lên đỉnh núi Tà Lèng, một điểm cao ở phía Đông Điện Biên Phủ để tìm hiểu hoạt động của không quân địch. Trần Liên (trợ lý quân báo-trinh sát) được giao làm tổ trưởng.

Khi mới nhập ngũ, Trần Liên được biên chế vào Ban Nghiên cứu Không quân nên đã có một số hiểu biết về không quân. Lên đỉnh Tà Lèng, tổ mang theo mấy chiếc ống nhòm, một máy đo xa của pháo 37mm, đồng hồ bấm giây và địa bàn. Việc khó nhất trong nghiên cứu hoạt động của không quân địch là phải tìm ra tốc độ của từng loại máy bay, tốc độ khi chúng bay trong đội hình, lúc lượn vòng, lúc bổ nhào tập kích...

Máy bay địch hoạt động trên trời, làm thế nào để tìm ra tốc độ của nó chỉ bằng phương tiện thô sơ trong tay? Sau mấy ngày đêm vắt óc suy nghĩ, tổ trưởng Trần Liên nảy ra sáng kiến xác định tốc độ máy bay bằng nguyên lý tam giác đồng dạng. Trần Liên tự tạo một cái thước bằng tre dài 30cm, ở giữa buộc một sợi dây dù dài 50cm. Mỗi lần máy bay địch xuất hiện, Trần Liên dùng miệng cắn chặt đầu sợi dây, một tay kéo thẳng đưa thước ngang tầm mắt hướng lên máy bay địch, một tay bấm đồng hồ.

Căn cứ vào thời gian bay của mục tiêu khi di chuyển từ đầu đến cuối thước kết hợp với cự ly do máy đo xa đo được, Trần Liên đã tính được tốc độ bay của các loại máy bay. Sau gần một tháng làm việc tỉ mỉ, kiên trì, tổ trinh sát đã xác định được quy luật về tốc độ, thời gian, hướng bay, độ cao, vòng lượn, góc bổ nhào... Đây là những vấn đề then chốt để pháo cao xạ xác định phần tử bắn.

Chiều 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, 24 chiếc máy bay cường kích hùng hổ nhào xuống đánh vào tuyến xuất phát của ta. Pháo cao xạ của Trung đoàn 367 nhờ được chuẩn bị chu đáo và giữ được bí mật đã bất ngờ đánh trả quyết liệt. Vấp phải lưới lửa dày đặc, phi công Pháp hoảng hốt bay tán loạn, nhả bom bừa bãi rồi tháo chạy. Nhưng trận này ta không tiêu diệt được máy bay nào. Trong buổi rút kinh nghiệm đêm 13-3, đơn vị xác định nguyên nhân do tâm lý bộ đội thiếu bình tĩnh, cán bộ quyết định thời cơ bắn chưa đúng lúc, bắn chưa tập trung...

8 giờ sáng hôm sau, Đại đội 815, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay chỉ điểm Moranne. Đây là chiếc máy bay Pháp đầu tiên bị pháo cao xạ 37mm bắn rơi kể từ khi ta mở chiến dịch. Kết thúc đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 bắn rơi 14 máy bay các loại, bắn bị thương 25 chiếc khác, Bộ chỉ huy Chiến dịch đã biểu dương “Bộ đội pháo cao xạ trẻ tuổi anh dũng tuyệt vời, lần đầu ra trận đã đánh thắng vẻ vang”.