Theo báo Deutsche Welle (Đức) ngày 3/10, Carsten Schneider, quan chức cấp cao của Chính phủ Đức cho biết, 33 năm sau khi nước này thống nhất, chênh lệch giàu nghèo vẫn là khác biệt đáng kể nhất giữa phía Tây và phía Đông nước này, trong khi chính phủ đang bế tắc trong giải quyết vấn đề.
Ảnh minh họa: DPA |
Vào ngày 3/10/1990, nước Đức thống nhất thành một quốc gia sau 4 thập kỷ bị chia cắt. Nhưng hơn 3 thập kỷ tiếp theo, kết quả của chính sách kinh tế thời Đông Đức vẫn ảnh hưởng đến tình hình ở các vùng phía Đông của nước này.
Đáng kể nhất, điều đó có thể được nhìn thấy rõ ở chênh lệch giàu - nghèo. Theo dữ liệu năm 2021 của ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank), trong khi một hộ gia đình trung bình ở phía Tây sở hữu tài sản ròng là 127.900 euro, thì ở phía Đông, con số này chỉ là 43.400 euro.
Tuy nhiên, ông Schneider cho biết hiện chính phủ chưa có các công cụ để giải quyết vấn đề này bởi vì đây là một trong những điểm gây tranh cãi khi liên quan đến vấn đề cải cách thuế.
Các nhà kinh tế như Marcel Fratzscher, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW), đã kêu gọi cải cách thuế tài sản và thuế thừa kế để cung cấp cho mỗi thanh niên một khoản thừa kế tối thiểu.
Bằng cách tăng thuế đối với những tài sản thừa kế tư nhân lớn, mỗi thanh niên 18 tuổi có thể nhận được một khoản trợ cấp một lần trị giá 20.000 euro, giúp họ độc lập hơn với cha mẹ khi quyết định về con đường học tập hoặc cuộc sống trong tương lai của mình.
Mặc dù vậy, ông Schneider nêu rõ rằng mức lương được điều chỉnh ngang bằng trên toàn nước Đức vào năm 2023 là một trong những thành công chính của năm ngoái. Bất bình đẳng về lương từng là mối bất bình lâu dài đối với nhiều người dân ở Đông Đức.
Ông Schneider thừa nhận, mặc dù việc tăng mức lương tối thiểu trên toàn liên bang cũng mang lại lợi ích cho người lao động ở các bang ở phía Đông, nhưng vẫn có sự khác biệt về tiền lương và sự giàu có. Vào năm 2022, mức lương trung bình hàng năm ở phía Tây cao hơn ở miền Đông nước Đức hơn 12.000 euro.
Bên cạnh đó, ông Schneider lưu ý, ngay cả ba thập kỷ sau khi thống nhất về mặt pháp lý, các vùng phía Đông của Đức vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn hơn so với các khu vực ở phía Tây giàu có hơn.
Một trong những vấn đề lớn nhất là cuộc di cư kéo dài hàng thập kỷ của những người trẻ tuổi từ các vùng phía Đông về phía Tây của Đức. Ông Schneider nói: “Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng ở phía Đông của Đức".
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin