Sau 3 ngày hội nghị với hơn 200 sự kiện lớn nhỏ, hơn 900 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, Hội nghị An ninh Munich 2024 hôm 18/2 đã khép lại.
Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: securityconference |
Nhiều vấn đề an ninh cấp bách toàn cầu đã được đem ra thảo luận sôi nổi, trong đó đặc biệt là các cuộc xung đột “nóng nhất hiện nay” tại Ukraine và Dải Gaza.
Câu hỏi nghi vấn “Cùng thua?” (Lose-Lose?) là chủ đề của Hội nghị an ninh Munich năm nay và cũng là tiêu đề của Báo cáo an ninh thường niên của hội nghị, trong đó, các nước quan ngại căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng, nhiều chính phủ không còn tập trung vào lợi ích của hợp tác toàn cầu. Thay vào đó, nhiều quốc gia ngày càng lo ngại được hưởng lợi ít hơn từ hợp tác quốc tế so với các nước khác. Xu hướng này có thể ảnh hưởng đến hợp tác và làm suy yếu trật tự quốc tế hiện tại.
Trong 3 ngày hội nghị, cuộc xung đột tại Ukraine và Dải Gaza, cùng những tác động của chúng đối với toàn cầu, đã chi phối hầu hết các phiên thảo luận. Các nước phương Tây đã đưa ra nhiều cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine, như Đức, Pháp, Italy, Đan Mạch, Australia ….
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khẳng định, những gì mà phương Tây đang hỗ trợ Ukraine là chưa đủ cho một chiến thắng:“Tất cả những điều chúng ta làm trong hai năm qua chưa giúp Ukraine giành chiến thắng. Nói ngắn gọn chúng ta làm chưa đủ. Một cuộc xung đột ở châu Âu kéo dài 2 năm là những gì chúng ta không nên nói. Ukraine không thể thắng nếu không có vũ khí. Lời nói thôi là không đủ”.
Bên lề hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng trấn an Tổng thống Ukraine Zelenskiy rằng Quốc hội Mỹ sẽ nhanh chóng phê duyệt gói viện trợ quân sự mới. Trong khi đó, ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden hôm 18/2 cảnh báo quốc hội Mỹ rằng, Ukraine sẽ mất thêm nhiều thành phố nếu không có đạn được.
Ngoài lời kêu gọi viện trợ cho Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng. Theo Thủ tướng Đức, nước này thường xuyên bị chỉ trích trong quá khứ vì không chi tiêu đủ cho quốc phòng nhưng sẽ đáp ứng mục tiêu của NATO là dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quân đội trong “những năm 2020, 2030 và sau đó nữa”. Chiến lược an ninh phòng thủ của châu Âu cũng đã “chiếm sóng” hội nghị An ninh Munich, có thể cho thấy châu Âu đang bừng tỉnh sau thời gian dài lơ là đầu tư cho quốc phòng do tâm thế phụ thuộc “lá chắn an ninh” của Mỹ.
Thay vì đổ vũ khí cho các bên trong xung đột, đại diện nhiều nước đã bày tỏ hi vọng sẽ sớm có cuộc đàm phán hòa bình cho cuộc xung đột Nga – Ukraine. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua tuyên bố nước này không phải là bên tạo ra hay có liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng Bắc Kinh cũng không đứng yên hay lợi dụng cuộc khủng hoảng để kiếm lợi. Trung Quốc đã và đang làm việc để các cuộc hòa đàm Nga – Ukraine có thể sớm được khởi động trở lại.
Ngoài Ukraine, cuộc xung đột tại dải Gaza giữa Israel và phong trào Hamas, cũng như những căng thẳng kéo theo ở khu vực Trung Đông cũng là vấn đề được nhiều nước quan tâm. Tại hội nghị, Thủ tướng, kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani thừa nhận, các cuộc đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin lại lâm vào “bế tắc” trong những ngày gần đây:
“Thời gian không có lợi cho chúng ta. Chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ tốt trong vài tuần qua trong các cuộc đàm phán. Chúng tôi đã và đang cố gắng đạt được thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, những ngày qua đã không diễn ra như mong đợi. Tôi tin rằng vẫn còn những khác biệt.”
Điểm sáng khác biệt của Hội nghị An ninh Munich năm nay là có sự tham gia các nước nam bán cầu, từ châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ; thay vì chủ yếu là các nước phương Tây như trước đây. Ngoài các cuộc xung đột, các bên tham dự cũng đã nhấn mạnh mối đe dọa khác đối với an ninh toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu và di cư do môi trường sống bị hủy hoại. Đây là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà người dân trên thế giới phải đối mặt và đang tác động mạnh hơn đến nam bán cầu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin