Người đàn ông Hà Lan bị phạt 400 USD vì…gãi đầu khi đang lái xe

Theo baotintuc.vn 17:15, 16/02/2024

Người đàn ông Hà Lan đã bị phạt 400 USD sau khi camera AI ghi lại cảnh anh đang sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Tuy nhiên, người vi phạm khẳng định anh chỉ gãi đầu và hệ thống giám sát đã nhận lầm.

Ảnh: Monocam
Ảnh: Monocam

Theo trang Oddity Central (Anh), tháng 11/2023, anh Tim Hansen đã bị phạt tiền vì cáo buộc nói chuyện điện thoại di động khi đang lái xe một tháng trước đó. Người đàn ông này đã rất sốc bởi anh không nhớ mình đã sử dụng điện thoại khi nào trong hôm đó. Anh quyết định xác thực bức ảnh buộc tội anh từ Cơ quan Thu thập Tư pháp Trung ương.

Thoạt nhìn, bức ảnh cho thấy có vẻ như Hansen đang nói chuyện điện thoại, nhưng nếu nhìn kỹ hơn sẽ thấy rằng anh thực sự không cầm bất kỳ thiết bị nào trên tay. Anh chỉ gãi một bên đầu và camera đã nhầm rằng bàn tay anh đang cầm điện thoại. Điều thậm chí khó hiểu hơn là người kiểm tra bức ảnh và xác nhận khoản tiền phạt của anh cũng không phát hiện ra điều này.

Hansen là kỹ sư công nghệ thông tin, công việc của anh là tạo ra các thuật toán chỉnh sửa và phân tích hình ảnh. Nhờ kinh nghiệm cá nhân, anh đã giải thích cách hệ thống camera cảnh sát, Monocam, hoạt động và tại sao nó có thể mắc lỗi. Mặc dù không thể tự kiểm tra Monocam nhưng anh đã giải thích hệ thống này được thiết kế thế nào và lý do nó có thể tạo ra kết quả sai lầm.

“Nếu một mô hình phải dự đoán liệu điều gì đó là đúng hay sai thì tất nhiên cũng có thể xảy ra trường hợp mô hình đó sai. Trong trường hợp của tôi, AI cho biết tôi đang cầm một chiếc điện thoại, trong khi thực tế không phải vậy. Một mô hình hoàn hảo chỉ dự đoán những kết quả tích cực và tiêu cực, nhưng dự đoán đúng 100% là rất hiếm”, anh nói.

Chuyên gia công nghệ thông tin này cũng giải thích rằng các hệ thống như Monocam phải được huấn luyện trên một bộ hình ảnh lớn được chia thành 2 hoặc 3 nhóm: bộ huấn luyện, bộ xác thực và bộ kiểm tra. Bộ đầu tiên được sử dụng để huấn luyện thuật toán về các đối tượng trên hình ảnh nào và thuộc tính nào – như màu sắc, đường kẻ, …. Bộ thứ hai để tối ưu hóa một số siêu tham số của thuật toán và bộ thứ ba để kiểm tra hệ thống thực sự hoạt động tốt ở mức độ nào.

“Thuật toán của cảnh sát có thể nghi ngờ rằng tôi đang sử dụng điện thoại khi đang lái xe vì tập dữ liệu huấn luyện chứa nhiều minh hoạ về người lái xe cầm điện thoại ở cạnh tai. Rất có thể tệp dữ liệu đó chứa ít hoặc không có ảnh chụp những người lái xe để tay không bên cạnh tai. Trong trường hợp đó, thuật toán sẽ không thể xác minh người lái xe có cầm điện thoại trên tay hay không. Để cải thiện điều này, tệp dữ liệu nên bổ sung nhiều ảnh hơn”, anh giải thích.

Hansen tuyên bố rằng do có nhiều biến số ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định của thuật toán nên cần có xác thực của con người để giảm thiểu số lượng kết quả sai lầm. Trong trường hợp của anh, một nhân viên đã xác nhận sau khi phân tích bức ảnh được camera ghi lại.

Người đàn ông này không đồng ý với mức phạt và mong đợi một kết quả tích cực hơn. Nhưng giờ đây, anh sẽ phải đợi tới 26 tuần để có phán quyết chính thức. Câu chuyện của Hansen đã lan truyền rộng rãi ở Hà Lan và các nước lân cận như Bỉ, nơi một số tổ chức đang yêu cầu lắp đặt camera có khả năng phát hiện việc sử dụng điện thoại di động khi lái xe. Và câu chuyện của Hansen chứng minh rằng chúng không đáng tin cậy 100%.