Những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp để quản lý, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng xử lý rác thải công nghiệp. Qua đó không chỉ bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân ở gần các cơ sở sản xuất mà còn tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp (chủ nguồn thải) thuận lợi trong vấn đề xử lý chất thải công nghiệp phát sinh.
Xe vận chuyển rác thải công nghiệp từ các nguồn thải về Nhà máy xử lý chất thải Anh Đăng để xử lý. |
Khi Nhà máy Samsung Thái Nguyên chính thức đi vào hoạt động (đầu năm 2014) đã kéo theo nhiều nhà máy phụ trợ đầu tư xây dựng, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khiến lượng chất thải công nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất rất lớn.
Ở giai đoạn đầu khi các nhà máy sản xuất, lắp ráp bắt đầu hoạt động, trên địa bàn tỉnh chưa có bất cứ đơn vị, doanh nghiệp nào có đủ điều kiện xử lý chất thải công nghiệp.
Để xử lý chất thải, các nhà máy có nguồn thải phải ký hợp đồng với các đơn vị đủ điều kiện ở những tỉnh khác. Điều này cũng gây kho khăn cho các chủ nguồn thải, phải tìm kiếm các đơn vị đủ điều kiện, tìm đơn vị xử lý phù hợp…
Anh Nguyễn Hồng Đăng, Quản lý kỹ thuật và an toàn lao động Công ty TNHH UTI ViNa (Khu công nghiệp Điềm Thụy), cho biết: Là đơn vị lắp ráp linh kiện điện tử nên lượng chất thải công nghiệp phát sinh không nhiều, từ 1-1,5 tấn/tháng, nhưng việc quản lý và xử lý hết sức nghiêm ngặt, phải có kho chứa. Khi mới bắt đầu vào hoạt động, Nhà máy cũng gặp khó khăn khi tìm những đơn vị đủ điều kiện để xử lý chất thải công nghiệp vì trên địa bàn tỉnh chưa có. Nhưng hiện nay, tại Thái Nguyên đã có 3 nhà máy xử lý rác thải công nghiệp nên cũng thuận lợi cho đơn vị giải quyết vấn đề này.
Việc thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này đã từng bước hoàn thiện hạ tầng xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các quy định chặt chẽ được đưa ra trong quản lý, vận chuyển, xử lý đã giúp lượng chất thải công nghiệp thông thường và nguy hại được xử lý triệt để hơn.
Hiện nay, tỉnh đã thu hút được 3 dự án đầu tư xử lý chất thải công nghiệp, gồm: Nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới (TP. Phổ Yên); Nhà máy xử lý chất thải Anh Đăng (Phú Bình); Khu liên hợp xử lý rác thải Sông Công của Công ty TNHH Môi trường Sông Công, với tổng vốn đầu tư của 3 Dự án khoảng hơn 1.500 tỷ đồng, công suất xử lý hàng vạn tấn chất thải công nghiệp/năm.
Những nhà máy xử lý chất thải này nằm chủ yếu ở các địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh. Nhờ đó, các địa phương cũng giảm được áp lực đối với các nguồn chất thải công nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Điệp, Trưởng Phòng Kinh doanh, Nhà máy xử lý chất thải Anh Đăng, ở thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), cho biết: Nhà máy có công suất xử lý hơn 70.000 tấn chất thải nguy hại/năm và hàng nghìn tấn chất thải thông thường. Hiện, chất thải công nghiệp xử lý tại đây chủ yếu đến từ các nhà máy hoạt động tại Khu công nghiệp Yên Bình, Khu công nghiệp Điềm Thụy. Chất thải được quản lý chặt chẽ, các xe vận chuyển được lắp thiết bị giám sát hành trình, định vị. Nhà máy xử lý chất thải phải lắp hệ thống quan trắc nguồn nước, không khí tự động để truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Còn theo đại diện Khu liên hợp xử lý chất thải Sông Công: Khu được đầu tư và chính thức đi vào hoạt động năm 2021, với công suất xử lý 3.500 tấn chất thải/ngày. Trong đó chủ yếu là chất thải công nghiệp ở các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh. Lợi thế của đơn vị là khoảng cách từ nguồn thải đến nơi xử lý khá gần…
Hiện, trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có gần 300 nhà máy hoạt động sản xuất. Thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục thu hút nhiều dự án đầu tư sản xuất nên lượng chất thải công nghiệp phát sinh ngày càng nhiều. Việc thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh xử lý rác thải công nghiệp đã và đang góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động xử lý chất thải công nghiệp cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố ô nhiễm, vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin