Để chính sách phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai hiệu quả trong cuộc sống từ ngày 31/12/2024, công tác chuẩn bị cần phải nghiêm túc, đồng bộ từ các khâu thu gom tới xử lý.
(Ảnh minh họa) |
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất từ ngày 31/12/2024, các hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền...
Khẳng định quy định trên là chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ nhằm “xanh hóa” môi trường, tiết kiệm tài nguyên cũng như hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh bền vững; tuy vậy nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai thiếu đồng bộ, thì cho dù thời gian áp dụng kéo dài thêm 2 năm, cũng rất khó đưa chính sách đi vào cuộc sống.
Cần chuẩn bị thật kỹ
Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) nhấn mạnh ô nhiễm môi trường do rác thải rắn sinh hoạt đã và đang là thách thức lớn đối với các tỉnh, thành phố trên cả nước hiện nay.
Thực tế trong những năm qua cho thấy sức ép gia dân số gia tăng cũng đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng và lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày một nhiều hơn (bao gồm cả rác thải sinh hoạt thông thường, đến rác thải nguy hại như pin, nhất là túi nylon).
Đáng chú ý, lượng chất thải rắn phát sinh có tốc độ tăng 10% mỗi năm, trong khi nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác tại các tỉnh, thành đang trong tình trạng quá tải.
“Vì thế, phân loại và tái chế rác thải là việc làm cấp thiết để giảm tải nguồn rác thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày. Nếu chúng ta không ứng xử tốt; không phân loại, không thu gom, xử lý thì đương nhiên rác sẽ tràn ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và ảnh hưởng tới chính sức khỏe của chúng ta,” ông Tùng nói.
Đề cập thêm về thực trạng phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ông Tùng cho hay trước đây, một số mô hình về phân loại rác thải tại nguồn đã được triển khai thí điểm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hoạt động này mới chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích và sau một thời gian triển khai “đâu lại vào đấy.”
“Thậm chí, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã từng có những văn bản, chế tài áp dụng riêng cho việc phân loại rác thải tại nguồn, song do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhất là các quy định chưa rõ ràng nên mô hình thí điểm này cuối cùng cũng thất bại,” ông Tùng nói.
Còn hiện nay, theo ông Tùng, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đã được luật hóa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với khung pháp lý rõ ràng hơn.
Tức là việc phân loại rác thải tại nguồn đã trở thành quy định bắt buộc và được nhiều người dân ủng hộ. Điều này khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ - đó là “xanh hóa” môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm tài nguyên, phát triển xanh bền vững.
“Với ý nghĩa đó, hiện nay, tại nhiều địa phương cũng đã bắt đầu có những quy định chi tiết để đưa luật vào cuộc sống. Tuy vậy, đây cũng mới chỉ là những hoạt động bước đầu và để triển khai hiệu quả thì chúng ta vẫn cần phải có sự chuẩn bị kỹ hơn,” ông Tùng chia sẻ.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Thị Hà, Giảng viên Bộ môn Công nghệ Môi trường (Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng nhấn mạnh phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn là “mệnh lệnh” từ cuộc sống, bởi nó mang lại rất nhiều ý nghĩa cho cộng đồng, cho đất nước.
Đầu tiên là giảm áp lực đối với việc xử lý rác thải phát sinh “đổ” ra môi trường, nhất là giảm quỹ đất bất đắc dĩ phải sử dụng để làm bãi chôn lấp rác thải.
Thứ hai là trong rác thải sinh hoạt có rất nhiều thành phần (như nhựa, giấy, thủy tinh và kim loại) có thể biến thành tiền thông qua việc tái chế, tái sử dụng, cũng như tạo ra được các sản phẩm có giá trị. Hay như các thành phần rác thải hữu cơ thường chiếm tỷ lệ rất lớn trong rác thải sinh hoạt, có thể sử dụng ủ phân composte tại nhà.
Theo bà Hà, khi giảm được lượng rác thải đem đi xử lý tại các khu chôn lấp tập trung cũng đồng nghĩa với việc giảm các tác động xấu tới môi trường (như giảm ô nhiễm nguồn nước ngầm; khí thải từ quá trình phân hủy rác thải hữu cơ), tăng giá trị kinh tế cho gia đình.
“Vì thế, nếu hoạt động này không có sự chung tay, tham gia của mỗi gia đình thì môi trường sống sẽ tiếp tục bị ô nhiễm và sức khỏe của chính mỗi người dân hiện tại và tương lai sẽ còn bị đe dọa, ảnh hưởng,” bà Hà chia sẻ.
Không để lặp lại thất bại
Tuy vậy, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Thị Hà cũng lưu ý lợi ích từ việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã rõ, thế nhưng để triển khai hiệu quả trong thực tế cũng không phải là việc dễ dàng.
Theo nhận định của bà Hà, rào cản lớn nhất là do thói quen, ý thức của nhiều người dân, hộ dân vẫn chưa hiểu hết được giá trị môi trường. Tức là nhiều người đang ứng xử theo kiểu làm sao cho nhà mình sạch đẹp mà không quan tâm tới việc rác vứt ra ngõ, ngoài đường.
“Tôi cho rằng đó là suy nghĩ sai lầm, bởi rác thải không chỉ đơn thuần là chất thải rắn, mà còn liên quan tới nước thải, khí thải trong quá trình rác phân hủy. Vì thế, ô nhiễm do rác thải gây ra vẫn sẽ đeo bám người dân ở trong khu vực đó,” bà Hà chia sẻ lo ngại.
Rào cản thứ hai là tính đồng bộ giữa cả một hệ thống. Đơn cử như việc nhiều hộ gia đình đã triển khai phân loại, chia tách rác thải sinh hoạt ngay tại nhà theo từng loại (rác thải hữu cơ, rác thải tái chế và các chất thải khác), nhưng khi đem ra điểm tập kết thì tất cả các loại rác lại để chung vào một thùng, môt xe vận chuyển.
“Điều này cho thấy các khâu từ phân loại rác tới đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, đưa đi xử lý rác còn chưa được đồng bộ. Đây cũng là trở ngại mà hầu hết các địa phương đang gặp phải,” bà Hà nhấn mạnh.
Trước thực trạng trên, bà Hà cho rằng từ nay đến thời điểm trước ngày 31/12/2024 (tức trước thời điểm áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn), các địa phương cần tiếp tục tăng cường tập huấn, nâng cao nhân thức, trình độ hiểu biết cho người dân.
Có chung quan điểm, Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng cho rằng để hoạt động phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được triển khai đồng bộ, việc quy định, hướng dẫn các bước trong phân loại rác ở các địa phương cần phải chi tiết hơn.
Đi cùng với đó là việc tổ chức đấu thầu theo cơ chế thị trường đối với các đơn vị thu gom, xử lý rác cũng cần phải có quy định cụ thể, cạnh tranh minh bạch, hiệu quả.
“Tiếp theo là cơ chế giám sát chéo phải chặt chẽ, nhất là việc làm sao phân biệt được giữa rác đã được phân loại và rác không phân loại khi người dân vứt bỏ. Vì thế quy định cần phải cụ thể, để không lặp lại những thất bại như đã gấp phải trước đây,” ông Tùng nêu quan điểm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin