Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Mở rộng không gian, tạo động lực phát triển

Thu Huyền 10:53, 12/01/2024

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Xác định rõ điều này, các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo kế hoạch đề ra.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ tạo điều kiện cho thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của thị trấn.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ tạo điều kiện cho thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của thị trấn.

Thị trấn Giang Tiên nằm ở phía Nam của huyện Phú Lương, có 7 tổ dân phố với trên 4.100 nhân khẩu. Đây cũng là địa phương có tổng diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất trong số 15 xã, thị trấn của huyện (3,77km2).

Căn cứ Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, thị trấn Giang Tiên thuộc diện thực hiện sắp xếp nhằm tăng quy mô đơn vị hành chính. Trên cơ sở đó, huyện Phú Lương đã xây dựng phương án nhập 11 xóm của xã Phấn Mễ (với tổng diện tích 21,19km2, dân số 11.446 người) vào thị trấn Giang Tiên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tống Duy Kiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Giang Tiên, cho biết: Ngay sau khi có chủ trương của huyện, thị trấn đã tổ chức họp để quán triệt đầy đủ các văn bản của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Đồng thời thực hiện tốt công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người dân, cũng như hoàn thiện các thủ tục khi thực hiện sắp xếp. Chúng tôi kỳ vọng sự thay đổi này sẽ tăng thêm sức mạnh cho địa phương trong tương lai, tạo không gian quy hoạch, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển...

Cùng với thị trấn Giang Tiên, theo rà soát, toàn tỉnh còn có 4 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025, gồm: Xã Phúc Hà (TP. Thái Nguyên); xã Vạn Thọ, xã Na Mao (Đại Từ); thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ). 4 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp gồm: Xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên); xã Phấn Mễ (Phú Lương); xã Bảo Cường và thị trấn Chợ Chu (Định Hóa).

Ngoài ra, có 7 đơn vị hành chính cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính khi thực hiện phương án sắp xếp, gồm: Phường Quan Triều, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên); các xã Ký Phú, Phú Xuyên, Phú Cường (Đại Từ); xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) và thị trấn Đu (Phú Lương).

Theo phương án sắp xếp, toàn bộ diện tích và quy mô dân số của xã Vạn Thọ sẽ được nhập vào xã Ký Phú (Đại Từ).
Theo phương án sắp xếp, toàn bộ diện tích và quy mô dân số của xã Vạn Thọ sẽ được nhập vào xã Ký Phú (Đại Từ).

Theo ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ (Đại Từ): Địa phương có vị trí địa lý và phần lớn diện tích tự nhiên giáp với xã Ký Phú, nhiều diện tích đất nông nghiệp xen canh với diện tích do UBND xã Ký Phú quản lý. Bên cạnh đó, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân 2 xã cũng có sự tương đồng.

Do vậy, việc nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 8,48km2, dân số 4.102 người của xã Vạn Thọ vào xã Ký Phú được đánh giá sẽ tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý, mở rộng không gian quy hoạch xã Ký Phú trở thành phường và là cực phát triển ở khu vực phía Nam của huyện Đại Từ. Xác định rõ điều đó nên cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Vạn Thọ cơ bản nhất trí cao với chủ trương sáp nhập.

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giai đoạn 2019-2023, tỉnh Thái Nguyên đã giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Xã Kim Sơn (Định Hóa), xã Vinh Sơn (TP. Sông Công) và xã Quân Chu (Đại Từ). Hiện nay, toàn tỉnh có 177 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 10 thị trấn, 41 phường và 126 xã).

Từ thực tế cho thấy, các đơn vị hành chính sau khi được sắp xếp đều phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển; đảm bảo bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tinh giản biên chế; mở rộng không gian đô thị; góp phần phát huy các nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển...

Về số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 và 2021-2023 là 65 người. Trong đó có 58 người đã được bố trí, sắp xếp công việc khác hoặc tinh giản biên chế. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 782 xóm, tổ dân phố và 2.739 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, xóm, tổ dân phố.

Theo lộ trình, trong năm 2024, tỉnh sẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Đồng thời tập trung sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 và giai đoạn 2023-2025; sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công; triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023-2025...