Tăng cường kiểm soát, bình ổn thị trường

Nhị Hà 07:57, 26/01/2024

Khoảng thời gian cuối năm, nhất là giáp Tết Nguyên đán luôn là đỉnh điểm mua sắm của mọi nhà, mọi người với mong muốn đón một cái Tết đủ đầy, tươm tất. Giá cả hàng hóa dịp này thường có xu hướng tăng. Chính vì vậy, các chính sách kiểm soát có vai trò quan trọng, giúp thị trường hàng hóa vận hành ổn định và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khảo sát tại một số chợ, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh cho thấy, các mặt hàng phục vụ nhu cầu dịp Tết thời điểm này khá dồi dào. Nhiều đơn vị tích cực triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, nhất là đối với những mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao, để kích cầu như: đồ khô, nước ngọt, hàng gia dụng, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, hoa quả... góp phần bình ổn giá và kiểm soát lạm phát.

Sau nhiều năm triển khai trên địa bàn tỉnh, chương trình bình ổn thị trường cuối năm đã phát huy hiệu quả, vừa ổn định giá cả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu cho người dân, vừa tăng khả năng dẫn dắt thị trường thông qua điều chỉnh giá bán linh hoạt, kịp thời.

Theo đánh giá của đại diện Sở Công Thương, các doanh nghiệp, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá công khai, rõ ràng và thống nhất; giá cả cơ bản ổn định.

Nhằm đảm bảo tiếp tục cân đối cung cầu và bình ổn thị trường, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản về việc tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Tỉnh giao Sở Tài chính chủ động theo dõi sát tình hình diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân; phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi giá cả dịch vụ du lịch, tham quan, vận chuyển hành khách để kịp thời tham mưu biện pháp bình ổn giá theo quy định; có phương án điều tiết, hỗ trợ lưu thông nguồn hàng hợp lý, đề xuất kịp thời việc xuất cấp hàng hóa dự trữ quốc gia theo quy định.

Đồng thời phối hợp đẩy mạnh thực hiện niêm yết, kê khai giá trên địa bàn; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, thuế, phí và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Sở Công Thương tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị đầu mối xây dựng phương án chuẩn bị nguồn cung mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến; phối hợp với các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại thúc đẩy phát triển thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa.

Cùng với đó là phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, các sở, ngành, địa phương có phương án đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất tại các nhà máy, khu, cụm công nghiệp, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất.

Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý…

Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thường xuyên đánh giá, dự báo cụ thể về thị trường để thực hiện quản lý, điều hành và tham mưu biện pháp bình ổn giá cả phù hợp, tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội trên địa bàn.