Thị trường hàng hóa Tết: Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm vi phạm

Thu Huyền 10:39, 28/01/2024

Giáp Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Đây cũng là lúc các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng nhái, hàng giả diễn biến phức tạp. Nhằm bình ổn thị trường hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng chức năng của tỉnh đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn huyện Đại Từ.
Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn huyện Đại Từ.
Sôi động thị trường cuối năm

Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thời điểm này, thị trường hàng hóa đang “nóng” lên từng ngày. Nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, do vậy, các hệ thống phân phối, đại lý, cửa hàng, chợ truyền thống cũng đã sẵn sàng nguồn hàng để cung ứng, chủ yếu là nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi và các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết (rượu, bia, bánh mứt kẹo...).

Từ hơn 1 tháng nay, lượng khách đến cửa hàng giới thiệu sản phẩm của HTX Phú Lộc (TP. Thái Nguyên) đã tăng gấp nhiều lần so với tháng trước đó, chủ yếu là khách đặt mua các sản phẩm làm quà biếu dịp Tết. Chị Lê Quỳnh Trang, Giám đốc HTX Phú Lộc, cho biết: Để phục vụ nhu cầu khách hàng mua quà biếu, tặng và sử dụng trong dịp Tết, chúng tôi đã liên hệ với các đơn vị cung ứng để nhập hàng từ sớm, đồng thời liên tục bổ sung hàng hóa.

Ngoài việc bán các sản phẩm đơn lẻ, HTX Phú Lộc còn tự lên ý tưởng làm nhiều mẫu quà tặng từ các đặc sản vùng miền, với bao bì được làm từ những vật liệu thân thiện với môi trường, hộp giấy đẹp mắt, giá bán cũng đa dạng, tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng.



Bà Nguyễn Thị Nhật Lệ, đại diện Ban Quản lý chợ Thái: Ban Quản lý chợ thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền đến các tiểu thương tuân thủ nghiêm các quy định về an ninh trật tự tại chợ, cũng như tạo dựng niềm tin với khách hàng bằng việc bán các sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm...
Bà Nguyễn Thị Nhật Lệ, đại diện Ban Quản lý chợ Thái: "Ban Quản lý chợ thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền đến các tiểu thương tuân thủ nghiêm các quy định về an ninh trật tự tại chợ, cũng như tạo dựng niềm tin với khách hàng bằng việc bán các sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm"...

Tại các chợ truyền thống, không khí mua sắm những ngày gần đây cũng nhộn nhịp hơn hẳn. Hàng hóa được bày bán phong phú, đa dạng từ thực phẩm cho tới hàng tiêu dùng, sản phẩm trang trí dịp Tết... Chị Quách Thị Thái, ở phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Giáp Tết sẽ có nhiều thứ cần chuẩn bị, nên tranh thủ ngày nghỉ tôi cùng gia đình đi mua sắm trước một vài thứ. Thời điểm này hàng hóa mới nhập về rất nhiều, giá cả cũng sẽ ổn định hơn những ngày cận Tết, không lo khan hàng hay tăng giá, nên tôi rất yên tâm.

Không khí mua sắm Tết cũng đang tràn ngập trên các “chợ mạng xã hội” với nhiều sản phẩm được “update” thường xuyên, vô số lời quảng cáo hấp dẫn từ các tài khoản Facebook, Zalo hay Tiktok. Chưa biết thực hư chất lượng ra sao, nhưng sự phong phú về chủng loại hàng hóa, cùng sự bắt mắt, tiện dụng, thậm chí là giá rẻ hơn nhiều các kênh bán lẻ trên thị trường... đang tạo ra sức hút đối với người tiêu dùng.

Đề phòng nguy cơ hàng kém chất lượng

Để phục vụ nhân dân trong dịp Tết, các đơn vị cung ứng đã chuẩn bị nguồn hàng từ sớm, với nhiều mẫu mã, chủng loại phong phú, đem đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Song, điều này cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ. Thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây liên tiếp ghi nhận các trường hợp người kinh doanh hàng hóa bị xử lý do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, khiến không ít người dân có tâm lý e ngại, hoang mang. Bởi lẽ, những sản phẩm không được kiểm soát chất lượng sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng.

Đội Quản lý thị trường số 3 tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm của hộ kinh doanh T.M.H bằng hình thức đốt.
Đội Quản lý thị trường số 3 tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm của hộ kinh doanh T.M.H (ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình) bằng hình thức đốt. Ảnh: T.L

Đơn cử như mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã phối hợp với cơ quan Công an tiến hành kiểm tra đột xuất đối với địa điểm kinh doanh do ông T.M.H làm chủ, có địa chỉ tại xã Kha Sơn (Phú Bình). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 100 đơn vị sản phẩm thực phẩm là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và gian lận về thời hạn sử dụng.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn phát hiện tại cơ sở của ông T.M.H đang kinh doanh hơn 300kg hàng hóa vi phạm, gồm: 40 thùng hướng dương là hàng hóa nhập lậu loại 5kg/thùng, 10 thùng táo khô là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ loại 8kg/thùng và 95 hộp mứt tết loại 300gam/hộp gian lận về thời hạn sử dụng. Chủ hộ kinh doanh khai nhận số hàng hóa vi phạm mua về để kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Bà Trần Thị Duyên, Quản lý bán hàng Siêu thị Minh Cầu: Siêu thị đã có kế hoạch đặt hàng, nhập hàng từ sớm nhằm đảm bảo lượng hàng hóa cung cấp trong dịp Tết đầy đủ, giá cả không biến động. Bên cạnh đó, chúng tôi yêu cầu nhà cung cấp phải cam kết về chất lượng, hạn sử dụng của hàng hóa. Trước khi nhập kho, Siêu thị tiếp tục kiểm tra về nhãn mác, bao bì, tem phụ của sản phẩm, tránh để xảy ra tình trạng hàng trôi nổi, kém chất lượng có cơ hội xâm nhập...
Bà Trần Thị Duyên, Quản lý bán hàng Siêu thị Minh Cầu: "Siêu thị đã có kế hoạch đặt hàng, nhập hàng từ sớm nhằm đảm bảo lượng hàng hóa cung cấp trong dịp Tết đầy đủ, giá cả không biến động. Bên cạnh đó, chúng tôi yêu cầu nhà cung cấp phải cam kết về chất lượng, hạn sử dụng của hàng hóa. Trước khi nhập kho, Siêu thị tiếp tục kiểm tra về nhãn mác, bao bì, tem phụ của sản phẩm, tránh để xảy ra tình trạng hàng trôi nổi, kém chất lượng có cơ hội xâm nhập"...

Không chỉ trường hợp trên, thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng QLTT các địa phương cũng liên tiếp phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; quần áo giả mạo nhãn hiệu, hoa quả nhập lậu... Theo đó, từ ngày 20/11/2023 đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 187 trường hợp, xử lý 163 vụ, với tổng trị giá hàng hóa tịch thu trên 840 triệu đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 260 triệu đồng.

Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm vi phạm

Để kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào công tác kiểm tra, xử lý, siết chặt thị trường. Theo ông Tạ Đình Dũng, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh: Là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục QLTT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; Kế hoạch đoàn kiểm tra liên ngành do lực lượng QLTT chủ trì; phối hợp chặt chẽ với các ngành siết chặt kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong đó chú trọng đến các lĩnh vực trọng điểm, ngành hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết. 

Ông Bùi Anh Tuấn, Đội phó Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh): Cùng với việc thực hiện các hoạt động kiểm tra hàng hóa theo kế hoạch của Đội, chúng tôi còn tham gia nhiều đoàn liên ngành của tỉnh, tập trung kiểm tra các địa điểm sản xuất, tập kết, buôn bán hàng hóa. Qua đó nhằm kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm liên quan đến nhiều ngành quản lý... 
Ông Bùi Anh Tuấn, Đội phó Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh): "Cùng với việc thực hiện các hoạt động kiểm tra hàng hóa theo kế hoạch của Đội, chúng tôi còn tham gia nhiều đoàn liên ngành của tỉnh, tập trung kiểm tra các địa điểm sản xuất, tập kết, buôn bán hàng hóa. Qua đó nhằm kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm liên quan đến nhiều ngành quản lý"... 

Tại các huyện, thành phố, đặc biệt là những địa phương miền núi, do địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên nguy cơ hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường tương đối cao.

Ông Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội QLTT số 5 (phụ trách địa bàn các huyện: Đại Từ, Phú Lương, Định Hóa) cho biết: Nhằm khép kín địa bàn, chúng tôi đã tăng cường lực lượng, tổ chức nắm bắt địa bàn, kiểm soát thường xuyên, tổ chức cho các cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Chỉ sau hơn 40 ngày ra quân thực hiện cao điểm kiểm soát thị trường, bốn tổ công tác của Đội đã kiểm tra, xử lý trên 60 vụ, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 520 triệu đồng.

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra hàng hóa vi phạm tại một hộ kinh doanh ở TP. Thái Nguyên.
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra hàng hóa vi phạm tại một hộ kinh doanh ở TP. Thái Nguyên.

Cùng với sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, các hệ thống phân phối, đơn vị cung ứng hàng hóa cũng chủ động tuân thủ nghiêm quy định về nhập hàng cũng như cung cấp hàng hóa, tạo thành những “barie” ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ cửa hàng bánh kẹo tại Chợ Thái (TP. Thái Nguyên) cho hay: Được sự tuyên truyền của cơ quan chức năng, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm các quy định trong kinh doanh, hàng hóa nhập về đều là hàng chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, dù là hàng trong nước hay nhập khẩu...

Cơ quan chức năng khuyến cáo, để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của bản thân và gia đình, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, cách nhận biết, phân biệt các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, kém chất lượng, không để hàng giả, hàng kém chất lượng còn “đất sống”...