Nỗ lực thi đua, nâng cao chất lượng công tác

09:15, 19/11/2015

Phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm qua của ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2015), trong thời gian tới, ngành Thanh tra tỉnh tập trung nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm thật sự trong sạch, có bản lĩnh, vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới phong cách, phương pháp chỉ đạo, điều hành; tăng cường quan hệ phối hợp với các cấp, ngành trong công tác thanh tra; thực hiện tốt Chiến lược phát triển ngành Thanh tra giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030…

Năm 1957, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên đã quyết định thành lập Ban Thanh tra tỉnh, với nhiệm vụ là: Thanh tra việc chấp hành đường lối, chính sách, mệnh lệnh của Chính phủ, việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và của Ủy ban hành chính các cấp; thanh tra việc thi hành dân chủ và kỷ luật trong nội bộ cơ quan, việc sử dụng, bảo quản tài sản của công; tiếp nhận và xem xét thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, của cán bộ, nhân viên.

 

Trải qua 58 năm xây dựng và trưởng thành, hoạt động của ngành Thanh tra tỉnh luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà. Thanh tra tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của cấp uỷ và chính quyền các cấp, từng bước vượt qua khó khăn, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, từ năm 2011 đến 2015, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, dưới sự hướng dẫn, định hướng chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh, ngành Thanh tra tỉnh đã quan tâm đổi mới cách nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo, tập trung thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kiện toàn bộ máy tổ chức thanh tra, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

 

Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Thanh tra tỉnh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các Chỉ thị, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để lãnh đạo các cấp; Thủ trưởng các sở, ngành làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tích cực tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, công chức và nhân dân; tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chú trọng việc phối hợp giữa ngành Thanh tra với các cấp, ngành trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị địa phương nhất là phục vụ nhiệm vụ Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.

 

Trong năm 2015, Thanh tra tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh. Kết quả, toàn ngành Thanh tra đã tham mưu cho các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp 17.946 lượt công dân; tiếp nhận 3.581 đơn khiếu nại, tố cáo; đã giải quyết 2.213/2.253 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt trên 98%. Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân trên 2,1 tỷ đồng và 1.386m2 đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 72 cá nhân. Đến nay trên địa bàn tỉnh không còn vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng theo Kế hoạch số 1130 ngày 10-5-2012 và Kế hoạch 2100 ngày 19-9-2013 của Thanh tra Chính phủ.

 

Về công tác thanh tra: Thanh tra tỉnh đã tăng cường chỉ đạo và làm tốt công tác quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, chú trọng kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của Thanh tra cấp huyện và sở, ban, ngành. Công tác thanh tra đã bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Ngành Thanh tra tỉnh đã làm tốt việc tăng cường các cuộc thanh tra theo kế hoạch gắn với công tác giải quyết đơn thư, gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó chủ yếu làm tốt công tác phòng ngừa. Kết quả trong 5 năm, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 326 cuộc thanh tra hành chính và 1.946 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế với tổng số tiền 133,7 tỷ đồng và trên 2.289ha đất (chủ yếu diện tích đất nông, lâm trường); đã xử lý thu về cho ngân sách Nhà nước trên 80 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 45 tập thể, 126 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 6 vụ với 9 đối tượng.

 

Trong công tác phòng, chống tham nhũng: Toàn ngành Thanh tra tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tập trung hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Cùng với công tác phòng ngừa, ngành Thanh tra gắn hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo với phát hiện và xử lý tham nhũng.

 

Để đạt được những kết quả trên là do đơn vị đã thực hiện hiệu quả công tác xây dựng ngành. Cụ thể là trên cơ sở số biên chế và đội ngũ cán bộ được giao, Thanh tra tỉnh chú trọng việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức của người cán bộ thanh tra vừa có tâm, có tầm để tham mưu đắc lực cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp. Đến nay, toàn ngành Thanh tra tỉnh đã có Thanh tra tỉnh, 18 cơ quan Thanh tra các sở, ban, ngành và 9 cơ quan Thanh tra huyện, thành phố, thị xã. Tổng số cán bộ, công chức và người lao động là 232 người, có 30 thanh tra viên chính, 111 thanh tra viên. Riêng Thanh tra tỉnh đến nay có tổng số 48 cán bộ, công chức và lao động hợp đồng thuộc 6 phòng nghiệp vụ và 1 văn phòng, trong đó có 12 thanh tra viên chính, 23 thanh tra viên.

 

Các giải pháp trọng tâm của ngành Thanh tra tỉnh trong thời gian tới là luôn bám sát kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết định thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; khắc phục tình trạng chồng chéo về kế hoạch thanh tra giữa các đơn vị; tập trung thanh tra vào những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực nhằm phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, bất cập trong quản lý, xử lý các hành vi vi phạm, tiêu cực; thông qua thanh tra kiến nghị với Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Tập trung nâng cao chất lượng công tác thanh tra, bảo đảm kết luận thanh tra chính xác, khách quan, đúng pháp luật; đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 25/CT-UBND ngày 18-12-2014 của UBND tỉnh Thái Nguyên, về việc chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tham mưu giúp thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, tập trung giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện vượt cấp... Năm 2016, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 1-1133 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016”. Tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng; kịp thời triển khai, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội; tiến hành quyết liệt hơn, để tạo chuyển biến rõ rệt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Chủ động, tích cực hướng dẫn, đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng ngừa. Đồng thời kịp thời phát hiện những hành vi tham nhũng, kiến nghị xử lý nghiêm minh, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương. Tập trung nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm thật sự trong sạch, có bản lĩnh, vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới phong cách, phương pháp chỉ đạo, điều hành; tăng cường quan hệ phối hợp với các cấp, ngành trong công tác; thực hiện tốt Chiến lược phát triển ngành Thanh tra giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030, tạo tiền đề vững chắc cho ngành Thanh tra phát triển…

 

Những phần thưởng cao quý ngành Thanh tra tỉnh được trao tặng:
Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2004), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2009), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2015);  nhiều năm liền được Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen cho các tập thể, cá nhân. Đảng bộ cơ quan Thanh tra tỉnh nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh; cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hóa; các đoàn thể đạt danh hiệu vững mạnh. Thanh tra nhiều sở, ban, ngành và thanh tra cấp huyện được tặng thưởng Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh.