Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập” tại Thái Nguyên

19:00, 28/11/2017

Ngày 28-11, Thứ trường Bộ giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ đã khảo sát thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” tại tỉnh Thái Nguyên.

Cùng đi có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Vụ Giáo dục Thường xuyên, Trung ương Hội Khuyến học. Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trường Ban chỉ đạo Đề án cùng lãnh đạo ngành GD&ĐT, các thành viên Ban chỉ đạo Đề án của tỉnh làm việc với Đoàn.

Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoan 2012-2020” tỉnh Thái Nguyên đã được triển khai từ tháng 1-2013, đến nay 100% các đơn vị hành chính từ huyện đến cơ sở trên địa bàn tỉnh đã thành lập được Ban chỉ đạo và hoạt động hiệu quả. Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chỉ thị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” và các Đề án, chương trình hành động sát với Đề án của Chính phủ. Thông qua các Trung tâm học tập cộng đồng tại các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa các xóm, xã 100% cán bộ cơ sở được học tập, tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc, lao động, khoa học, kỹ thuật.

Nếu như năm 2007, toàn tỉnh mới có 77% công chức cấp xã, 59% công chức cấp huyện, 81% công chức cấp tỉnh được bồi dưỡng, thì đến năm 2016, tỷ lệ này đã nâng lên trên 90% thông qua chính sách hỗ trợ và hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng. Đến tháng 6-2014, toàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn  phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tháng 2-2017 được công nhận kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các đơn vị cấp huyện và năm 2014 Thái Nguyên là tỉnh thứ 9 trong cả nước hoàn thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Đến năm 2016, 180/180 đơn vị cấp xã, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, có 217/227 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống giáo dục THCS có 128/185 trường đạt chuẩn quốc gia. Thông qua Đề án đội ngũ công nhân đã có trên 80% tốt nghiệp THPT đang làm việc tại các khu công nghiệp. Giai đoạn 2011-2016 đã có gần 60% lao động là thanh niên nông thôn được đào tạo nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Hoạt động khuyến học, khuyến tài từ cơ sở cũng được quan tâm, khuyến khích nhất là việc xây dựng phong trào xã hội học tập, gia đình, dòng học học tập…góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát triển nhân tài.

Ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Hữu Độ đã đưa ra một số ý kiến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động thực hiện Đề án. Đó là: Cần tiếp tục xây dựng các điển hình tại cơ sở; tăng cường sự hỗ trợ ngân sách và huy động các nguồn lực tài trợ cho thực hiện Đề án; Các địa phương, cơ sở tiếp tục lựa chọn các mục tiêu học tập, nâng cao kiến thức cho nhân dân phù hợp với thực tiễn và đẩy mạnh đưa các dịch vụ về giáo dục đến với nhân dân. Trước đó Đoàn công tác đã đến khảo sát tại thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ.