50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay

15:33, 22/08/2019

Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học được Trường Chính trị tỉnh tổ chức vào ngày 22-8. Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh và các cán bộ, giảng viên của Nhà trường (ảnh).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Nhâm, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định giá trị to lớn mà Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng, cho nhân dân. Tuy Người đã đi xa, nhưng 50 năm qua, Di chúc của Người vẫn vẹn nguyên giá trị và mang ý nghĩa sâu sắc đối với công tác xây dựng Đảng, với mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tiếp tục phát huy trí tuệ, cống hiến tài năng, bằng sự nghiên cứu và nhận thức sâu sắc của mình tập trung thảo luận, nêu bật được giá trị của bản Di chúc về các vấn đề, lĩnh vực; giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thực hiện Di chúc với công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức trong giai đoạn hiện nay; cũng như vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận và thảo luận về một số nội dung, khía cạnh của bản Di chúc như: Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cán bộ kế cận; giữ vững nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; phê bình và tự phê bình theo Di chúc của Người; vấn đề đoàn kết quốc tế đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay; xây dựng văn hóa công vụ theo tư tưởng Hồ Chí Minh… Mỗi tham luận đều làm nổi bật giá trị, ý nghĩa sâu sắc của Di chúc, sự cần thiết của việc thực hiện nội dung Di chúc trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, đồng thời có sự liên hệ với bản thân, đơn vị nơi công tác.

-----------------------------------------------------------

* Hội thảo đã được nghe nhiều tham luận của các đại biểu về giá trị lý luận, thực tiễn của bản Di chúc, đồng thời nêu những giải pháp cũng như trách nhiệm của mỗi người để tiếp tục thực hiện và phát huy giá trị Di chúc của Bác trong giai đoạn hiện nay. Báo Thái Nguyên đăng tải lược ghi một số ý kiến tham luận tại Hội thảo.

Giữ vững nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng

Đồng chí Trần Văn Thép, Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Các nhà nghiên cứu đã hệ thống 5 nguyên tắc xây dựng Đảng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: Nguyên tắc tập trung dân chủ; Nguyên tắc giữ gìn đoàn kết, nhất trí trong Đảng; Nguyên tắc tự phê bình và phê bình; Nguyên tắc kiểm tra và kỷ luật Đảng; Nguyên tắc gắn bó máu thịt với nhân dân. Đảng bộ tỉnh đã nghiêm túc triển khai học tập và làm theo Di chúc của Bác, giữ vững các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, không ngừng nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn để ổn định, có bước phát triển vững chắc. Đảng bộ tỉnh vừa tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, vừa chú trọng xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh trên tất cả các mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Nhờ vậy, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, từ tỉnh nghèo, chậm phát triển, đến nay, Thái Nguyên đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực trung du miền núi Bắc Bộ. Cơ cấu kinh chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã có bước phát triển vượt bậc; diện mạo từ thành thị đến nông thôn có nhiều đổi thay. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn…

Rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đồng chí Nguyễn Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường chính trị tỉnh: Bên cạnh việc đấu tranh làm trong sạch tổ chức, bộ máy thì công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên có đủ đức và tài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là vấn đề cấp thiết. Để hoàn thiện mình, mỗi cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường đều phải xác định đúng động cơ, thái độ trong học tập và rèn luyện bản thân. Muốn làm người cán bộ tốt, làm việc tốt thì phải học và xác định được đúng mục đích, ý nghĩa của việc học. Học không phải chỉ để nâng cao trình độ, khả năng làm việc mà còn giúp rèn luyện đạo đức, tác phong, tư cách con người, làm cho con người biết làm việc, cống hiến, biết sống gần gũi nhau, “mình vì mọi người”; biết sống có tình, có nghĩa, biết phân biệt phải, trái, đúng, sai để trở thành người có ích cho xã hội. Học để có bản lĩnh, trình độ, dám nhìn thẳng vào chính mình, biết nhận ra những hạn chế, những điểm chưa tốt của bản thân, để tiếp tục học, rèn luyện, sửa chữa, hoàn thiện mình.

Vai trò nêu gương của mỗi cán bộ, giảng viên

Đồng chí Ngô Thị Hồng Nhung, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh: Thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò nêu gương, mỗi cán bộ, giảng viên phải gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như trong các hoạt động chung, luôn tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xung kích, đi đầu trong đảm nhận những công việc mới, công việc khó được Nhà trường giao. Cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo các khoa, phòng, nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự giác, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc nêu gương phải theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “nói đi đôi với làm”; các đồng chí cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên trong Đảng bộ, đảng viên nêu gương cho quần chúng và học viên, cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới…

Chăm lo đời sống nhân dân để củng cố niềm tin của dân với Đảng

Đồng chí Vũ Mạnh Hà, Trưởng khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh: Chỉ tính mười năm cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có 700 lần đến với dân ở cơ sở, nhất là ở nông thôn và tiếp xúc với nông dân, thân thiết, gần gũi, không có khoảng cách. Với Người, Nhân dân là mục tiêu tối thượng, đồng thời là động lực quyết định của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mọi nhiệm vụ cách mạng đều do nhân dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện lời dạy và Di chúc của Bác, những năm qua, Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh luôn chú trọng đến công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đảng bộ Nhà trường luôn chú trọng chăm lo đến đời sống của học viên từ tâm tư, nguyện vọng đến chế độ ăn uống, ngủ nghỉ khi tham gia học tập, bồi dưỡng tại Trường. Đặc biệt, lãnh đạo cơ quan luôn quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, giảng viên, nhân viên, lao động hợp đồng để qua đó mỗi cán bộ, đảng viên luôn yên tâm công tác, cống hiến cho sự phát triển của Nhà trường.

Vận dụng Di chúc của Bác vào các bài giảng

Đồng chí Trần Thị Thanh Huyền, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trường Chính trị tỉnh: Trong giảng dạy lý luận chính trị thì việc đưa Di chúc của Bác lồng vào trong bài giảng, nhất là phần học về Đảng Cộng sản, về Tư tưởng Hồ Chí Minh là rất cần thiết. Để làm tốt điều này, giảng viên phải biết đặt những vấn đề gợi mở để học viên liên hệ và vận dụng vào thực tiễn. Cụ thể về vấn đề làm sao để giữ gìn sự trong sạch của Đảng hiện nay, vấn đề giữ vững vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện Đảng cầm quyền, vấn đề tự phê bình và phê bình…, đặc biệt cần chú trọng đến thực hiện các nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng Đảng. Điều này giúp học viên nhận thức được sâu sắc hơn vị trí, vai trò của đảng Cộng trong điều kiện hiện nay, đặc biệt nhận thức rõ những nguy cơ đối với một đảng cầm quyền. Từ đó giúp học viên nâng cao ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức xây dựng và bảo vệ Đảng, đồng thời giúp học viên tìm hiểu sâu sắc hơn những giá trị của Di chúc, những lời di huấn thiêng liêng mà Người đã để lại cho dân tộc.