Chủ động phương án ứng phó với thiên tai

08:40, 15/04/2021

Những năm gần đây, Đại Từ là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do mưa bão gây ra, có năm thiệt hại tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng. Do vậy, ngay từ những tháng đầu năm, huyện đã xây dựng phương án, bảo đảm đủ vật tư để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Huyện Đại Từ có địa hình tương đối phức tạp với nhiều sông, hồ, khe suối. Thêm vào đó, đây cũng là địa phương có lượng mưa lớn với mức trung bình từ 1.400-1.600mm mỗi năm, tập trung chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 9. Với đặc thù như vậy, trên địa bàn rất dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Lũ quét, sạt lở đất, giông lốc, mưa đá… Cụ thể như năm 2013, nước hồ Núi Cốc dâng cao làm hư hỏng hoàn toàn 100ha lúa của 5 xã vùng bán ngập lòng hồ Núi Cốc. Năm 2014, bão số 3 gây ra lũ ống, lũ quét tại xã Quân Chu, thị trấn Quân Chu, gây mưa lớn trên diện rộng, ước tổng thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng. Năm 2020, 8 đợt mưa, bão lớn và ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới… khiến hơn 600 nhà ở bị hư hỏng; 3.000 con gia cầm bị lũ cuốn trôi; 46 công trình bị hư hỏng…

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm, huyện Đại Từ đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng, đảm bảo lực lượng, phương tiện ứng cứu theo phương án “4 tại chỗ”. Trong đó, huy động dân quân tự vệ các xã, thị trấn, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn… tham gia vào công tác PCTT-TKCN. Các phương tiện, vật tư phục vụ công tác ứng phó, khắc phục thiên tai được chuẩn bị đầy đủ, gồm: 2.000 bao tải, 70kg dây thừng, 500 rọ thép, trên 570 phao tròn cùng phao bè, xuồng máy và nhiều xà beng, cuốc, xẻng… Các phương án đảm bảo thông tin liên lạc, tuần tra canh gác, hậu cần, kỹ thuật cũng được xây dựng cụ thể.

Trên cơ sở dự báo các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra, huyện đã xác định những khu vực trọng điểm có nguy cơ cao bị ảnh hưởng. Cụ thể vùng trọng điểm xảy ra ngập úng được xác định là các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Vạn Thọ...; vùng trọng điểm hay xảy ra lũ quét ở sườn ven chân núi Tam Đảo, dưới chân Núi Hồng, Núi Chúa thuộc địa bàn thị trấn Quân Chu, Cát Nê, Văn Yên… Từ đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn có khu vực xung yếu, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn xây dựng phương án chủ động ứng phó thiên tai.

Được xác định là một trong những địa phương thuộc vùng trọng điểm có nguy cơ sạt lở đất, những năm gần đây, xã Na Mao liên tục có hiện tượng sụt lún, sạt lở ảnh hưởng tới nhiều công trình, tài sản của người dân liên quan đến khu vực bãi đổ thải của Mỏ than Minh Tiến. Để chủ động phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã thông tin: Ngay từ đầu năm, địa phương và Công ty CP Yên Phước đã ký kết quy chế phối hợp. Theo đó, khi có mưa lớn, Công ty bố trí lực lượng phối hợp với xã làm nhiệm vụ cảnh giới khu vực bên ngoài bãi đổ thải (thuộc địa phận xóm Ao Soi) với tần suất 2 ca/ngày tại 2 địa điểm. Đồng thời, di dời một số hộ dân ở khu vực xung yếu đến nơi an toàn, cắm biển cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm.

Cùng với việc xây dựng phương án PCTT-TKCN, công tác đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn cũng được huyện Đại Từ chú trọng. Riêng năm 2020, huyện đã bố trí gần 8,5 tỷ đồng đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các tuyến kênh mương, hệ thống thủy lợi tại 8 xã, thị trấn. Năm nay, huyện có kế hoạch duy tu, sửa chữa một số công trình thủy lợi với tổng kinh phí trên 4,6 tỷ đồng. Ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN huyện Đại Từ cho biết: Đến nay, chúng tôi đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về phương tiện, trang thiết bị, vật tư cho công tác PCTT-TKCN nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.