Thời gian gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã có nhiều giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội. Từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác Hội, góp phần thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của tỉnh về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đúng dịp kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức khai trương phòng họp trực tuyến tại Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN các huyện, thành phố thị xã. Mô hình phòng họp gồm 1 hệ thống điều khiển trung tâm đặt tại Hội LHPN tỉnh, 9 điểm đầu đặt tại các huyện, thành, thị. Mỗi đơn vị được lắp đặt 1 máy tính xách tay, 1 tivi 55 inch và 1 webcam… Đây là hệ thống truyền thông tương tác, sử dụng phần mềm, dịch vụ Meeting và mạng Internet ADSL/cáp quang để truyền dẫn kết nối.
Đồng chí Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: Việc xây dựng phòng họp trực tuyến nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành của Hội LHPN cấp tỉnh và huyện, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chuyển đổi số. Sử dụng hệ thống phòng họp trực tuyến vào việc tổ chức các cuộc họp của Hội nhằm thay thế, giảm thiểu cách tổ chức hội họp tập trung, truyền thống, đảm bảo an toàn, bảo mật, đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, mở rộng số lượng và đối tượng được cung cấp thông tin; góp phần tích cực vào việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Hội LHPN các cấp.
Cũng từ mô hình phòng họp trực tuyến, đội ngũ cán bộ luôn tìm ra những cách truyền đạt thông tin hiệu quả. Ví dụ như làm báo cáo, thay vì trình bày nhiều chữ, ít hình ảnh và in phát mỗi người một bản như trước đây, giờ hầu hết báo cáo của Hội đều trình bày trên ứng dụng Powerpoint… Với phương pháp này, thông tin được cô đọng, xúc tích, kèm theo nhiều hình ảnh trực quan sinh động khiến người xem dễ tiếp cận hơn.
Ngoài ra, để tăng cường đưa thông tin hoạt động Hội từ trung ương, tỉnh đến cơ sở, Hội LHPN tỉnh cũng ra mắt trang website của hội với địa chỉ: hoilhpn.thainguyen.gov.vn; duy trì cập nhật thông tin thường xuyên trên trang face Phụ nữ Thái Nguyên, làm việc trên nhóm Zalo… Hội cũng phối hợp với một số đơn vị doanh nghiệp viễn thông đề nói chuyện về “Vai trò của nữ cán bộ công nhân viên trong chuyển đổi số; tập huấn kiến thức kinh doanh thời đại số-digital 4.0 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp... Qua đó giúp chị em có kỹ năng quản lý, sử dụng hiệu quả mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mở rộng mạng lưới tương tác, thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời đại công nghệ số.
Mới đây, thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của tỉnh về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng chương trình hành động riêng về công tác chuyển đổi số. Theo đó, các mục tiêu Hội đề ra đến năm 2030 là: 90% trở lên hội viên phụ nữ hiểu và tham gia thực hiện chuyển đổi số; 90% trở lên quy trình hoạt động quản lý của Hội được số hóa; 100% Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở duy trì thực hiện Phòng họp số và nâng cấp cho phù hợp; 100% các thông tin, văn bản, nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số của Tỉnh uỷ và kết quả triển khai thực hiện của các cấp Hội tiếp tục được cập nhật lên Trang thông tin điện tử của Hội; 100% dữ liệu văn bản của Hội LHPN tỉnh tiếp tục được số hoá, làm kho dữ liệu phục vụ cho quá trình tra cứu, khai thác; 100% quy trình quản lý, đánh giá hội viên tiếp tục được thực hiện trên môi trường internet.
Để đạt được kết quả này, Hội cũng đề ra những giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền về công tác chuyển đổi số trên Trang Thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh và Facebook, Zalo của các cấp Hội; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; phát huy tinh thần nêu gương của đồng chí lãnh đạo Hội, lấy việc triển khai thực hiện Nghị quyết là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hội LHPN các cấp; nhân rộng những cá nhân, tập thể điển hình trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tranh thủ vận động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng hạ tầng nền tảng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Duy trì, nâng cấp hệ thống đường truyền, đảm bảo đáp ứng an toàn theo chuẩn chung trong chương trình chuyển đổi số toàn tỉnh; tiếp tục triển khai giải pháp phòng họp số (phòng họp không giấy tờ, đảm bảo các cuộc họp tại cơ quan Hội LHPN tỉnh được thực hiện trên phòng họp số (trừ các cuộc họp có nội dung mang tính chất “mật”; Xây dựng hệ thống trực tuyến kết nối các cấp Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở để tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn; Xây dựng phần mềm phục vụ công tác thi đua khen thưởng, phần mềm đánh giá chất lượng cơ sở Hội, hội viên… từng bước số hóa toàn bộ quy trình quản lý hoạt động của các cấp Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở...
Với ba mục tiêu chính: Tiết kiệm về chi phí, thời gian; công tác quản lý linh hoạt; xây dựng đội ngũ cán bộ thích ứng với công cuộc chuyển đổi số toàn diện và bằng những giải pháp thiết thực đã đề ra, hy vọng thời gian tới, công tác chuyển đổi số trong hội phụ nữ toàn tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả.