Quản lý, bảo vệ rừng bền vững từ cộng đồng

08:42, 20/04/2021

Những năm gần đây, nhờ thực hiện hiệu quả chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư và người dân mà tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (Võ Nhai) đã giảm đáng kể. Việc này không chỉ góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng trái phép mà còn giúp người dân địa phương gắn bó hơn với rừng, có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

Hơn 6 năm nay, cứ đều đặn mỗi tuần một lần, ông Hoàng Văn Dũng cùng các thành viên trong Tổ quản lý, bảo vệ rừng xóm Kim Sơn, xã Thần Sa (Võ Nhai) lại tập trung cùng nhau đi tuần tra, kiểm soát tại khu vực rừng đặc dụng đã được nhận giao khoán với tổng diện tích gần 450ha. Trò chuyện với chúng tôi, ông Dũng chia sẻ: Tổ quản lý, bảo vệ rừng của xóm có 15 thành viên được chia làm 5 tổ khác nhau. Nhiệm vụ của các tổ tuần tra là kịp thời phát hiện và phối hợp ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Do địa bàn rộng, địa hình lại hiểm trở nên mỗi lần đi tuần tra, chúng tôi thường phải đi từ 5 giờ sáng, mang theo cơm nắm ăn luôn tại rừng, đến tận 19 giờ tối, thậm chí muộn hơn mới về. Mặc dù rất vất vả, nhưng cuối năm được Nhà nước hỗ trợ tiền công tuần tra nên các thành viên của Tổ quản lý, bảo vệ rừng đều làm việc rất trách nhiệm.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng được thành lập năm 2009, nằm trên địa bàn 6 xã phía Bắc của huyện Võ Nhai, có tổng diện tích đất tự nhiên 48.913,66ha. Trong đó, có gần 20.000ha rừng đặc dụng với nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Tại đây hiện có 160 họ thực vật, với 1.096 loài, trong đó có nhiều loài gỗ quý với trữ lượng lớn, như: Nghiến, trai lý, thông tre, lan Kim tuyến, đinh, sến (nhóm 1B)… Ngoài ra, còn có 259 loài động vật hoang dã, trong đó có cả những loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như: Voọc mũi hếch, khỉ mặt đỏ…

Nói về hiệu quả hoạt động của các tổ quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương, ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng xóm Kim Sơn, xã Thần Sa cho hay: Trước đây, khu vực xã Thần Sa từng là “điểm nóng” của nạn khai thác gỗ trái phép. Tuy nhiên, kể từ khi thành lập Tổ quản lý, bảo vệ rừng vào năm 2014, lâm tặc không còn ngang nhiên lộng hành như trước, tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ trái phép cũng giảm hẳn. Nhiều năm nay, trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng nào. 

Được biết, việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho người dân được Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (nay là Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh) triển khai từ năm 2012. Ban đầu, việc giao khoán chỉ thực hiện thí điểm tại 2 xóm: Xuyên Sơn, xã Thần Sa và xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường với tổng diện tích gần 200ha. Sau 2 năm triển khai cho thấy hiệu quả thiết thực, việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đã được triển khai rộng rãi đến tất cả các xóm, bản nằm trong Khu bảo tồn. Hiện, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh đã lập hồ sơ giao khoán gần 15.000ha rừng đặc dụng, chiếm 75% tổng diện tích rừng của Khu bảo tồn cho 51 cộng đồng dân cư và 136 hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho người dân được thực hiện theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, khi nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, người dân hoặc cộng đồng dân cư sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền công với mức 400 nghìn đồng/ha/năm. Nhờ đó, người dân tích cực tham gia tuần tra bảo vệ rừng tận gốc, góp phần đắc lực cùng với lực lượng kiểm lâm trong việc ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng trái phép.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh cho biết: Sau khi nhận giao khoán, người dân có tinh thần trách nhiệm, tự giác bảo vệ rừng, tích cực phối hợp, báo tin kịp thời cho lực lượng kiểm lâm khi rừng bị xâm phạm. Từ năm 2015 đến nay, trong Khu bảo tồn không để xảy ra cháy rừng nào, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp cũng giảm hẳn qua các năm. 

Không chỉ có vậy, với việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, 51 cộng đồng dân cư và 136 hộ dân sinh sống tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng được Nhà nước chi trả tiền gần 6 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này được cộng đồng dân cư (xóm, bản) sử dụng để đầu tư để xây dựng các thiết chế, kết cấu hạ tầng nông thôn mới ở địa phương. Ông Triệu Hữu Phong, Trưởng xóm Cao Biền, xã Phú Thượng cho biết: Tổ quản lý, bảo vệ rừng của xóm hiện đang nhận giao khoán 1.300ha rừng đặc dụng. Năm ngoái, tiền công bảo vệ rừng chúng tôi nhận được là 520 triệu đồng. Sau khi bàn bạc, người dân thống nhất dùng vào việc xây dựng nhà văn hóa. Nhà văn hóa xóm được xây dựng khang trang với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng. Nhờ có tiền công quản lý, bảo vệ rừng nên các hộ gia đình trong xóm không phải đóng góp tiền xây dựng nhà văn hóa nữa. Năm nay, người dân dự kiến dùng tiền công bảo vệ rừng để tiếp tục đổ bê tông tuyến đường giao thông phục vụ việc đi lại, giao thương của người dân…

Thực tế cho thấy, việc thực hiện chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư và người dân không chỉ giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng, mà còn góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.