Muôn kiểu kinh doanh… đền bù

P.V 11:36, 30/03/2023

Lâu nay, câu chuyện đón đền bù hoặc kinh doanh đền bù không còn là vấn đề xa lạ. Báo chí tốn biết bao giấy mực để phản ánh về vấn nạn này. Những tưởng gần đây, khi chính quyền có nhiều biện pháp ngăn chặn từ xa, từ sớm thì tình trạng đón đền bù giảm đi, nhưng thực tế vẫn diễn ra với hình thức ngày càng tinh vi hơn. Gần đây, trong một chuyến tác nghiệp tại cơ sở, tôi đã tận mắt chứng kiến một số dạng đón đền bù đến khó tin.

 

Trong chuyên mục “Sổ tay phóng viên” tuần trước, anh bạn đồng nghiệp tôi đã chia sẻ một vài câu chuyện liên quan đến Dự án xây dựng Tuyến đường liên kết vùng, lần này câu chuyện của tôi cũng một phần đả động đến dự án quan trọng này. Chả là, khi ghé vào một số mũi thi công chính của tuyến đường, điều làm tôi ngạc nhiên là chiều dài mỗi mũi thi công chỉ khoảng mấy chục mét hoặc một vài trăm mét là cùng. Hỏi ra mới biết, do chưa giải phóng mặt bằng thông tuyến nên mới có tình trạng “xôi đỗ” như vậy. Thực tế thì giải phóng mặt bằng trước nay vẫn là khâu khó với mỗi dự án, nhất là dự án phải thu hồi đất lớn và càng trở nên khó hơn khi các hộ trong diện di dời tìm đủ mọi cách để kinh doanh…đền bù.

Tại một số mũi thi công của dự án này, tôi lấy làm lạ là hai bên cạnh đường, phần đất ruộng của người dân còn lại xuất hiện chi chít các bãi cọc bê tông nhô cao khỏi mặt đất khoảng 1m. Trông xa giống như những bãi chông trắng xóa đủ mọi hình thù. Thì ra trước kia, nơi đây là ruộng, vườn của người dân. Khi biết thông tin tuyến đường chạy qua, bà con đã nhanh chóng đổ các thanh cọc bê tông rồi cắm xuống ruộng với lý do làm hàng rào bảo vệ, làm cột trồng thanh long… để khi Nhà nước thu hồi đất gia đình sẽ được thêm khoản đền bù tài sản trên đất. Sau khi bồi thường, số cọc bê tông nằm trong tuyến được nhà thầu cắm trả sang bên cạnh đường tạo thành những bãi cọc chằng chịt bỏ không rất lãng phí.

 

Một số điểm khác chúng tôi qua, thấy nhiều nhà dân nằm trong diện giải tỏa của dự án đã chủ động ốp tạm các loại gạch trang trí cao cấp kín những bức tường nhà, bờ rào và những công trình phụ để chờ kiểm kê, nhận thêm đền bù. Thực tế thì kiểu đón đền bù này không xa lạ vì nhiều dự án khác, các hộ dân còn làm mái tôn che ra cả vườn, ruộng, dùng gạch lát mặt vườn, bờ ao, đánh cây về trồng và tự ý xây nhiều nhà cửa, chuồng trại nhưng không để ở hoặc chăn nuôi.

Còn nhớ cách đây cả chục năm, tình trạng người dân xã Phục Linh (Đại Từ) đua nhau xây dựng nhà cửa, công trình phụ đón đền bù của dự án khai thác mỏ. Chính quyền địa phương đã phải rất vất vả mới giải quyết được phần nào, nhưng tốn kém thêm nhiều kinh phí bồi thường của Nhà nước. Hay thời gian gần đây, khi biết có dự án lớn đầu tư vào khu du lịch hồ Núi Cốc, người dân các địa bàn nằm trong dự án đua nhau cơi nới, xây dựng đón đền bù. Cá biệt, xuất hiện cả những đối tượng chuyên đầu tư, kinh doanh đền bù ở nơi khác tới móc nối với người dân sở tại để trục lợi.

Nếu liệt kê thì có rất nhiều kiểu đón đền bù, từ tự phát đến chuyên nghiệp. Trước đây, các hình thức đón đền bù còn đơn giản, cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện, xử lý, nhưng nay do chính quyền siết chặt các quy định nên hoạt động kinh doanh đền bù ngày càng tinh vi hơn. Khi dự án mới chỉ manh nha, không hiều sao nhiều người đã có ngay thông tin tương đối về vị trí, diện tích để kịp thời đầu tư đón đền bù từ sớm nhằm không phạm vào các quy định bồi thường giải phóng mặt. Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều trường hợp kinh doanh đền bù khóc dở, mếu dở vì dự án chậm tiến độ, bị thu hồi hoặc có sự điều chỉnh vị trí dự án khi thấy quá tải về bồi thường…