Chỉ trong vòng một tháng qua, liên tiếp 3 vụ kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ thịt lợn “bẩn” với khối lượng lớn trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Điều này cho thấy, tình trạng lợi dụng sơ hở để tuồn thực phẩm “bẩn” ra thị trường đang là vấn đề đáng báo động. Nếu không siết chặt kiểm soát, hậu quả gây ra đối với sức khỏe người tiêu dùng là khôn lường. Chính vì thế, lên án hay xử phạt hành chính không phải là giải pháp đủ sức răn đe, cần phải có chế tài nghiêm khắc hơn.
Thịt, xương, nội tạng lợn được bà Nguyễn Thị Quy cất giữ ở 6 tủ bảo ôn và hàng chục thùng xốp (bị lực lượng chức năng phát hiện tại chợ Đồng Quang, TP. Thái Nguyên), tất cả đều bốc mùi hôi tanh. |
Xin được điểm lại 3 vụ việc liên quan đến thịt lợn “bẩn” vừa bị lực lượng chức năng xử lý để bạn đọc tiện theo dõi. Ngày 23/9/2023, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra và phát hiện gần 3 tấn thịt, xương, nội tạng lợn “bẩn” trong các tủ bảo ôn do bà Nguyễn Thị Quy đứng tên, đặt tại chợ Đồng Quang.
Tiếp đó, ngày 13-10, lực lượng Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phát hiện một trường hợp vận chuyển thị lợn “bẩn” đang lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên qua địa bàn phường Tân Long. Qua kiểm tra, trên xe ô tô có khoảng 2 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc, đã bốc mùi hôi thối.
Và mới đây, ngày 24-10, lực lượng Công an kinh tế TP. Thái Nguyên đã kiểm tra kho thực phẩm đông lạnh tại tổ 6, phường Túc Duyên, của gia đình ông Trần Thế Đông và phát hiện 2,2 tấn xương, thịt lợn các loại đã biến đổi màu và bốc mùi khó chịu.
Sau khi lập biên bản, tất cả số thực phẩm “bẩn” của 3 vụ việc nói trên đều được đưa đi tiêu hủy theo quy định để đảm bảo an toàn.
Trước thực trạng trên, dư luận cho rằng nếu chỉ xử phạt hành chính với mức tiền 100 triệu đồng cho hành vi kinh doanh gần 3 tấn thịt lợn “bẩn” như đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Quy thì chưa đủ sức răn đe. Bởi vậy, không ai dám chắc, các trường hợp sau khi bị phát hiện, xử phạt hành chính lại không tiếp tục “ngựa quen đường cũ” (?!).
Thời gian qua, cộng đồng xã hội rất bức xúc và kịch liệt lên án các hành vi kinh doanh, buôn bán hoặc tiếp tay cho thực phẩm “bẩn”. Tuy nhiên, nếu chỉ lên án thôi mà không bằng hành động cụ thể, thiết thực hoặc có biện pháp đủ mạnh thì thực phẩm “bẩn” vẫn sẽ “có đất để sống, có sân để diễn”.
Do đó, theo chúng tôi, không chỉ lên án suông, xã hội cần phải có thái độ rõ ràng, hành động dứt khoát mới có thể loại được thực phẩm “bẩn” ra khỏi cộng đồng. Nếu chỉ có lực lượng chức năng vào cuộc thì khó có thể kiểm soát được vi phạm bởi thực tế hiện nay, hành vi kinh doanh thực phẩm “bẩn” ngày càng tinh vi, khó lường. Vì thế, cần cả xã hội chung tay tuyên chiến với thực phẩm “bẩn”.
Từng người dân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát hiện, tố giác từ sớm các hành vi vi phạm để không cho thực phẩm “bẩn” có cơ hội len lỏi vào bữa ăn của mỗi gia đình. Ngay cả các hộ cùng sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm với nhau cũng phải có tiếng nói, kịp thời lên án và tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện trong ngành nghề kinh doanh của mình có trường hợp tiếp tay cho thực phẩm “bẩn”.
Cùng với chính quyền các cấp, mỗi người dân cần trách nhiệm hơn trong vận đồng, tuyên truyền ngăn chặn, làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ, hành động của các cá nhân, tập thể đang và định sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn”.
Chúng ta đều biết, vì kinh doanh thực phẩm “bẩn” mang lại lợi nhuận cao nên các đối tượng thường bất chấp quy định của pháp luật, đánh đổi sức khoẻ của người dân để làm lợi cho bản thân. Chính vì thế, nếu chỉ xử phạt hành chính và yêu cầu hoàn thiện các thủ tục cấp phép kinh doanh… sẽ không thể chặn đứng các hành vi kinh doanh thực phẩm “bẩn”.
Nhiều người cho rằng, đối với những trường hợp kinh doanh thực phẩm “bẩn” khối lượng lớn, vi phạm nhiều lần cần phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng có thể cấm vĩnh viễn việc kinh doanh các loại thực phẩm mà trước đó đã bị xử lý vi phạm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin