Theo ghi nhận của các tổ chức quốc tế, đến giữa tháng 8-2022, thế giới có hơn 38 nghìn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 12 người bệnh tử vong tại 93 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kiểm dịch viên của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh tuyên truyền về bệnh đậu mùa khỉ tại Cửa khẩu Bắc Luân II (TP Móng Cái) cho các chủ xe. |
Theo PGS, TS, BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), đậu mùa khỉ (MonkeyPox) là căn bệnh đã từng bị lãng quên, nhưng đang quay trở lại tại rất nhiều nước trên thế giới. Hiện bệnh đã lan ra toàn cầu, không còn tính cục bộ tại khu vực châu Phi như trong quá khứ. Suốt giai đoạn 1996-2021, các vùng dịch nhỏ với khoảng 70 đến 80 ca nhiễm đã được ghi nhận tại Anh, Singapore, Nigeria, Israel, Mỹ. Song, từ ngày 6-5-2022 đến nay, con số các ca nhiễm đã tăng đột biến trên toàn thế giới. Mặc dù tỷ lệ tử vong sau khi nhiễm bệnh này là không cao, song với số lượng bùng phát ngày càng gia tăng thì rất nhiều các quốc gia trên thế giới đã thiết lập hệ thống giám sát dịch lưu hành nghiêm ngặt.
Tổ chức Y tế thế giới đã phân loại các quốc gia thành bốn nhóm, Nhóm 1 gồm các quốc gia không có bệnh đậu mùa khỉ ở người trong quá khứ và trong hơn 21 ngày qua; Nhóm 2 gồm các quốc gia có ca nhập cảnh, lây truyền người-người, khỉ-người bao gồm nhóm dân cư chính và nguy cơ cao; Nhóm 3 gồm các quốc gia đã biết/nghi ngờ lây truyền đậu mùa khỉ ở động vật; Nhóm 4 gồm các quốc gia có năng lực sản xuất các biện pháp đối phó (thuốc, vắc-xin).
Việt Nam đang thuộc nhóm 1, và để duy trì tình trạng an toàn này, Chính phủ cùng các cấp, ban, ngành cũng đã nhanh chóng đưa ra những chỉ đạo chống dịch, quy định nhập cảnh và các kịch bản ứng phó chi tiết.
Tổng hợp từ các trường hợp được ghi nhận cho thấy, độ tuổi mắc bệnh trung bình là 37 tuổi, trong đó, nhóm 18 đến 44 tuổi chịu ảnh hưởng nhiều nhất (tới 76,7%). Mặt khác, khi xét về các yếu tố nguy cơ, yếu tố nổi trội nhất được xác định là quan hệ đồng tính nam (chiếm tới 97,5%).
Về mặt triệu chứng, hầu hết các trường hợp đều ghi nhận phát ban, sốt, tổn thương da vùng kín, sưng hạch, đau đầu, đau cơ, nôn. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp người bệnh không ghi nhận triệu chứng.
Về đặc điểm lâm sàng, thời gian từ lúc phơi nhiễm cho tới lúc bắt đầu triệu chứng trung bình là 7 ngày, quá trình lây nhiễm bắt đầu khi có những triệu chứng đầu tiên. Một đặc điểm quan trọng ở căn bệnh này, đó chính là việc rất hiếm người bị tái nhiễm. Hiện nay, đã có vắc-xin để dự phòng cho căn bệnh này nhưng khả năng sản xuất và số lượng vắc-xin vẫn còn hạn chế cho nên các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu vẫn được ưu tiên thực hiện.
Ở các quốc gia khu vực Ðông Nam Á-Tây Thái Bình Dương, đến nay hầu hết các trường hợp mắc đậu mùa khỉ đầu tiên đều bắt nguồn từ người nhập cảnh. Ðây cũng là một mối nguy tiềm tàng trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế, đón khách du lịch quốc tế sau đại dịch COVID-19.
Mặc dù nguy cơ là hiện hữu, nhưng nếu mỗi người dân có ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ những người chung quanh thì nguy cơ hoàn toàn có thể đẩy lùi. Tính đến thời điểm hiện tại, đậu mùa khỉ chưa vào Việt Nam. Cùng với những biện pháp phòng, chống tích cực và những kịch bản đã được thiết lập sẵn, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng một kết quả khả quan đối với căn bệnh này.
Tuy nhiên, một nguy cơ đáng lo ngại cho tất cả các quốc gia, đó là việc biến chủng mới xuất hiện. Mặc dù là vi-rút DNA có tốc độ biến đổi chậm hơn so với COVID-19, song với việc lây lan mạnh mẽ thời điểm gần đây đã ghi nhận nhiều đột biến riêng lẻ và có thể trở thành biến chủng nguy hiểm nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.
Tổ chức Y tế thế giới đã nêu rõ, bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh phát ban đậu mùa khỉ, bao gồm qua tiếp xúc mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, bao gồm cả quan hệ tình dục.
Chúng ta vẫn chưa xác định được người bệnh có thể lây truyền bệnh trong bao lâu, nhưng nói chung, người bệnh được coi là vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác cho tới khi tất cả các tổn thương đã đóng vảy, lớp vảy đã bong ra và hình thành một lớp da mới. Mặc dù đã ghi nhận các ca bệnh không triệu chứng nhưng vẫn chưa rõ liệu người bệnh không triệu chứng có làm lây bệnh hay không, hay bệnh có thể lây truyền qua các loại dịch khác của cơ thể hay không.
Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và có thể tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.
Các biến chứng ở bệnh đậu mùa khỉ bao gồm nhiễm trùng da thứ phát, viêm phổi, lú lẫn và các vấn đề về mắt. Trước đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động khoảng 1% đến 10%. Tuy nhiên tỷ lệ tử vong ở các bối cảnh khác nhau có thể khác nhau do nhiều yếu tố, như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Bác sĩ Ðỗ Tuấn Anh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đối với việc điều trị đậu mùa khỉ, việc đầu tiên là người bệnh cần tự cách ly, tránh tiếp xúc với người khác. Ðồng thời, vệ sinh cơ thể sạch sẽ để tránh bội nhiễm vi khuẩn, bảo đảm sử dụng các vật dụng được khử khuẩn; rửa tay thường xuyên là biện pháp đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bác sĩ Ðỗ Tuấn Anh đưa ra khuyến nghị 5 điều cần thực hiện để bảo vệ bản thân tránh nhiễm đậu mùa khỉ trong trường hợp bệnh bùng phát. Ðó là thực hiện: Rửa tay thường xuyên (đặc biệt sau tiếp xúc); thông báo với cơ quan y tế, thăm khám khi có nguy cơ mắc bệnh, thực hiện cách ly; nói không với việc: tiếp xúc gần, da kề da với người có tổn thương da giống triệu chứng bệnh; dùng chung dụng cụ, vật dụng, ôm hôn... người nghi nhiễm; chạm, sử dụng chăn, giường, khăn, quần áo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin