Xúc cảm bất ngờ về đồi Độc Lập

Cồ Thị Thơm 14:54, 23/08/2022

Từ Mỏ thiếc Cao Bằng, bố tôi chuyển về công tác tại Khu công nghiệp Gang Thép Thái nguyên. Tôi lớn lên trong chiếc nôi của nền công nghiệp nặng non trẻ nước nhà. Bố tôi được phân một gian nhà ở khu tập thể đồi Độc lập Gang thép. Lúc bé tôi thường thắc mắc, tại sao đồi lại có tên là “Độc Lập”? Tôi tự suy luận, phải chăng đó là từ ước nguyện tự nhiên của dân tộc đã chịu bao nhiêu năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, đế quốc Nhật, rồi lại đang kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược mà hình thành cái tên đó.

Nhà máy Gang thép Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu
Nhà máy Gang thép Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Muốn hiểu thêm ý nghĩa một địa danh nơi mình sinh sống, tôi hỏi bố và được giải thích: “Khi tướng quân đội Đinh Đức Thiện được bổ nhiệm về làm Tổng Giám đốc đầu tiên xây dựng Khu Gang thép, ông đã cho xây khu tập thể dành riêng cho cán bộ, từ kỹ sư hai trở lên đến trưởng, phó phòng, giám đốc, phó giám đốc, sau này có bổ sung thợ bậc cao.

Biết điều ấy, bọn trẻ con chúng tôi thường rất hãnh diện khi khoe với bạn bè là nhà tớ ở đồi Độc Lập. Còn lũ bạn thì trầm trồ: “Ui, thế thì bố mẹ bạn giỏi lắm nhỉ. Ngưỡng mộ đấy, Khu Liên hợp Gang thép có nhiều nhà máy thành viên như Xưởng Cốc , Xưởng Gang, Xưởng Gạch chịu lửa, Nhà máy Cơ khí, Nhà máy Cơ điện… Ngoài ra còn có các mỏ khai thác như Mỏ sắt Trại Cau, Mỏ đá Núi Voi, Mỏ than phấn Mễ… Mỗi nhà máy, mỏ đều có đội ngũ quản lý riêng biệt, phục vụ cho dòng gang, dòng thép tuôn đều.

Sau này lớn lên, tiếp bước cha anh, tôi cũng là công nhân của Khu Gang thép. Bố mẹ tôi cũng như các bậc tiền bối, người còn sống, người qua đời nhưng khí phách hào hùng một thời đạn lửa không hề mất trong lòng tôi. Tuy nhiên, đã một nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn chưa hiểu một cách cặn kẽ ai là người đã đặt tên khu đồi tập thể của cán bộ Khu Gang thép là đồi Độc Lập?

Nhân một lần đứa cháu nội tôi hỏi một câu cũng đúng câu hỏi mà năm mươi năm trước tôi đã hỏi bố, tôi quyết định tìm gặp một số bậc tiền bối trước kia đã từng sinh sống và làm việc trên khu tập thể đồi Độc Lập ngày ấy để tìm câu trả lời cho cả hai bà cháu.

Theo lời chỉ dẫn, tôi tìm đến ông Sầm Văn Thái, nguyên Giám đốc Nhà máy Cơ điện (tên gọi lúc bấy giờ), năm nay đã ngoài 80 tuổi, ở tổ dân phố số 3, phường Trung Thành. Khi nghe tôi hỏi, ông như hồi tưởng lại mọi ký ức về khu đồi Độc Lập mà với ông có lẽ là quá đỗi thân thương. Giọng ông trầm ấm: Tôi được phân về khu tập thể từ ngày đầu tiên. Ông Đinh Đức Thiện quan tâm đến đời sống của công nhân Gang thép lắm. Xuất phát từ ý nghĩ để có được đội ngũ một lòng một dạ với sự nghiệp Gang thép thì cán bộ phải có sức khỏe và an cư lạc nghiệp để cống hiến, nên chỗ ăn ở sinh hoạt là rất quan trọng.  Vì vậy, ông Đinh Đức Thiện đã cho xây khu tập thể dành riêng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt. Cái tên đồi cũng là do ông Thiện lấy tên từ các đồi ở chiến dịch Điện Biên Phủ mà đặt, với ý nghĩa Khu Gang thép cũng giống như chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Cái tên đồi “Độc Lập” ra đời từ đấy và tiếp theo hàng loạt đồi ở khu Gang thép như đồi pháo C5 , đồi O, đồi F, đồi L, sân 62… có tên gọi như hiện nay. Các địa danh được bố trí giống như lòng chảo Mường Thanh.

Niềm vui vỡ oà, tôi không ngờ lời giải đáp lại thấm đẫm tinh thần lịch sử như vậy. Hóa ra, mảnh đất mà mình sinh sống suốt một thuở thơ bé lại có ý nghĩa lớn lao đến không ngờ. Không những tôi mà tất cả những người dân sống ở thành phố công nghiệp này đều có niềm tự hào ấy.

Thằng cháu nội tôi được nghe bà giải thích, nhảy cẫng lên thích thú: Con học lịch sử biết về chiến thắng Điện Biên Phủ rồi, nhưng không ngờ thành phố của chúng ta lại có một thung lũng “Mường Thanh” như thế.

Tôi dắt cháu đi giữa những con đường rộng dài trong lòng thành phố, chợt tự hỏi còn bao nhiêu địa danh trên mảnh đất này mình chưa kịp tìm hiểu, còn ẩn giấu bao điều bí mật về sự hy sinh, cống hiến của con người để thế hệ chúng ta và con cháu chúng ta luôn cần khắc ghi trong ký ức của mình.