Kể từ khi khánh thành Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của tỉnh tại khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên, chẳng mấy năm, vào các dịp lễ, Tết, anh em chúng tôi - những người lính năm xưa - lại không đến đây để tri ân các Anh hùng liệt sĩ và chiêm ngưỡng vẻ đẹp sống động từ nơi trung tâm thành phố.
Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Thái Nguyên) hôm nay. Ảnh: T.S |
Năm nay, đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), chúng tôi lại cùng nhau tới Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Phải có đôi ba lần dừng chân, mấy anh em tuổi "bát tuần" mới vượt qua được gần 100 bậc để lên tới thềm đặt lư hương.
Sau khi trang trọng thắp hương và dành phút mặc niệm các Anh hùng liệt sĩ, chúng tôi ngồi bên nhau trên những bậc đá. Chợt nhớ ra: Năm 2022 cũng là năm kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập TP. Thái Nguyên (19-10). Sự kiện này khiến cho câu chuyện của chúng tôi có thêm những cảm hứng thú vị. Dù chuyện xa, chuyện gần, chuyện của người già rồi cũng quay về quá khứ. Thị xã Thái Nguyên ngày ấy chỉ vỏn vẹn dọc ngang chừng trên dưới 2km, mà lại có sự gặp gỡ, hội tụ nhiều di tích, sự kiện lịch sử theo chiều dài từ thuở lập nước tới khi thành lập TP. Thái Nguyên và cho đến ngày nay như thế.
Ngược dòng thời gian, sự hiện diện ách cai trị của thực dân Pháp từ những năm đầu thế kỷ XX mà dấu ấn còn lại tới nay vẫn còn đó: Hầm Thông sứ Pháp (phía sau Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam). Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do các ông Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến khởi sự năm 1917 - được ví như quả bom làm chấn động bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở chính quốc và các nước thuộc địa của chúng. Dấu ấn còn lại ngày nay, ấy là Đền Đội Cấn - viên ngọc quý của lịch sử Thái Nguyên (đã được xếp hạng Di sản Quốc gia). Tiếp đến là sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đoàn quân giải phóng từ Tân Trào về Thái Nguyên tiêu diệt phát xít Nhật, giải phóng Thái Nguyên và xuất quân tiến về giành chính quyên ở Thủ đô Hà Nội. Nơi đó sau này là Quảng trường 20-8 (nay là Quảng trường Võ Nguyên Giáp). Cũng chính tại khu vực này, trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã có cuộc thương thuyết cuối cùng với phía Pháp nhằm cữu vãn hòa bình cho đất nước.
Sau hai năm hòa bình lập lại, ngày 19/12/1956, Khu tự trị Việt Bắc (TTVB) được thành lập, TP. Thái Nguyên trở thành thủ phủ của Khu. Các cơ quan của Khu ủy đều được xây dựng trong khu vực sau này là Nhà Bảo tàng Việt Bắc. Năm 1960, nơi đây đã diễn ra cuộc triển lãm có quy mô chưa từng có lúc bấy giờ, nhân kỷ niệm 15 năm Quốc khánh 2-9 và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.
Ngày 19/12/1960, nhà Bảo tàng Việt Bắc được khởi công xây dựng. Đây là công trình văn hóa lớn nhất vùng Việt Bắc lúc ấy, với kiến trúc vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc vừa hiện đại, bền vững, lại có tầm nhìn tới sự phát triển tương lai của thành phố. Tháng 1-1964, nơi đây từng vinh dự được đón Hồ Chủ tịch khi Người lên thăm Khu Gang thép Thái Nguyên và có buổi nói chuyện với nhân dân thành phố.
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nằm ở khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên. Ảnh: C.T.V |
Nằm cách Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ vài trăm mét theo đường chim bay là cầu Gia Bảy. Đây vốn chỉ là chiếc cầu treo đu đưa bập bềnh dành cho người đi bộ. Từ năm 1958-1959, khi khởi công xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên, cầu Gia Bảy mới được xây dựng bằng bê tông cốt thép, trở thành công trình to đẹp, lộng lẫy nhất ở Thái Nguyên lúc bấy giờ. Năm 1965, cầu bị bom Mỹ phá sập. Di tích để lại cho mai sau là một cây cầu mới cùng Đài tưởng niệm ghi tên 16 liệt sĩ Trung đội dân quân của Tiểu khu Hoàng Văn Thụ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ cầu ngày 17/10/1965…
Lúc này, đứng trên thềm cao lộng gió của Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, những người lính già chúng tôi bỗng linh cảm: Hình như có sự mách bảo nào đó từ hồn thiêng các Anh hùng liệt sĩ thôi thúc chúng tôi liên tưởng đến mối liên quan giữa các di tích, sự kiện lịch sử trải qua năm tháng - nay đã trở thành những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trường tồn cùng TP. Thái Nguyên và con người nơi đây - với những bước phát triển tưng bừng của thành phố suốt chiều dài 60 năm qua.
Từ một thành phố buổi đầu thành lập diện tích mới chỉ có vài chục cây số vuông, dân số trên 6 vạn người, sinh sống ở 4 khu phố và 6 xã, trong nội thành mới có vài tuyến đường sơ sài, bụi bặm, đến nay TP. Thái Nguyên đã trở thành đô thị rộng trên 200 cây số vuông, với 40 vạn dân sinh sống tại 21 phường, 11 xã. Diện mạo phố phường phát triển nhanh với vài chục tuyến đường trải nhựa áp-phan và bê tông, trong đó có nhiều tuyến đường hai chiều sạch - đẹp như công viên. Cửa nhà tầng thấp tầng cao đua nhau mọc lên "như nấm như măng" hai bên đường phố. Các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển sôi động, sầm uất, đã và đang thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng và bảo đảm sự bình yên cho cuộc sống của người dân... Với thế hệ chúng tôi, đó thật sự là thiên đường mà trước đây chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Cảm hứng của chúng tôi như được thăng hoa cùng đất trời thành phố. Bảo tàng Việt Bắc (sau đổi tên là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam) với dáng vẻ uy nghiêm, trầm mặc, thấp thoảng ẩn hiện giữa sum suê màu xanh cành lá. Bỗng nhớ lại chuyện cũ. Ngày ấy, khi khởi công xây dựng công trình này, đã có câu hỏi đặt ra: Sao không lo trước cái ăn, cái mặc của dân mà đã vội lo xây dựng Bảo tàng? Vâng! Có lẽ các đồng chí lãnh đạo Khu tự trị Biệt Bắc lúc bấy giờ (mặc dù Khu mới được thành lập, mọi công việc đang còn rất bề bộn) đã ý thức được sức mạnh to lớn đang tiềm ẩn, lưu giữ trong các địa tầng văn hóa của người dân vùng Việt Bắc. Nếu biết khai thác, phát huy hết sức mạnh đó thì việc lo cái ăn, cái mặc cho dân dù khó đến đâu cũng chỉ còn là vấn đề thời gian và cơ hội. Thực tế sự phát triển trong những năm sau này của thành phố đã khẳng định sự chính xác của tư duy ấy. Đồng bào các dân tộc nơi đây luôn sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng TP. Thái Nguyên từ trong đổ nát của chiến tranh vươn lên ngày càng nhanh, mạnh, để có một cơ đồ ngày càng khang trang, hiện đại như ngày nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin