Trao đổi, chia sẻ nhiều nội dung về khoa học địa lý châu Á

Thanh Loan (Đại học Thái Nguyên) 17:49, 06/09/2022

Ngày 6-9, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) phối hợp với Hội Địa lý châu Á, Viện Địa lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Hội Địa lý Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học Địa lý châu Á lần thứ V - năm 2022.

(Hình minh họa)
(Hình minh họa)

Tham dự Hội nghị có GS.TS Yukio Himiyama, nguyên Chủ tịch Hội Địa lý quốc tế; GS.TS Dahe Qin, Chủ tịch Hội Địa lý châu Á; GS.TS Nguyễn Cao Huần, Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam; các nhà khoa học, thầy giáo, cô giáo, sinh viên của Đại học Thái Nguyên cùng các đại biểu đến từ gần 20 quốc gia (Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Hàn Quốc, Azerbaijian, Singapore, Nhật Bản, Kazakhstan, Uzbekistan…).

Hội nghị có chủ đề “Khoa học Địa lý trong châu Á năng động”, được tổ chức nhằm công bố những kết quả nghiên cứu khoa học mới của các cán bộ trẻ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế trong lĩnh vực địa lý; đồng thời tạo môi trường kết nối và chia sẻ những tri thức mới về khoa học địa lý giữa các nhà khoa học nghiên cứu về địa lý ở châu Á và trên thế giới. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là cơ hội để các cán bộ, giảng viên, sinh viên của Đại học Thái Nguyên và bạn bè quốc tế trong lĩnh vực địa lý gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kiến thức.

Hội nghị đã nhận được 156 bài viết, báo cáo tham luận của các tác giả đến từ gần 20 quốc gia. Đối với những bài viết có chất lượng, sau quá trình phản biện được đăng trong Kỷ yếu Hội nghị do Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên xuất bản có mã số ISBN.

Tại phiên toàn thể của Hội nghị có 6 báo cáo được trình bày, như: “Địa lý trong phát triển bền vững”; “Thách thức trong môi trường địa lý: Thoái hóa đất và chính sách bảo tồn khu vực Himalaya - Ấn Độ”; “Biến động lớp phủ ở Hủa Phăn (Lào) và Sơn La (Việt Nam) từ năm 1990-2020”; “Xu thế biến động cảnh quan ở khu vực văn hóa An Đông - Hàn Quốc”…

Kết thúc phiên toàn thể, trong ngày 6 và 7-9, các đại biểu dự Hội nghị được chia làm 7 tiểu ban để báo cáo về nhiều nội dung, như: Các khía cạnh địa lý và phát triển bền vững; đô thị hóa và tương lai phát triển của các nước châu Á; hệ sinh thái và biến đổi khí hậu; địa lý văn hóa và du lịch; địa lý kinh tế…