30 năm đại học vùng: Thực tiễn và triển vọng

Thảo Nguyên 18:36, 03/04/2024

Đó là chủ đề Hội thảo quốc gia do Đại học Thái Nguyên phối hợp với Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng tổ chức chiều 3-4. Dự Hội thảo có các đồng chí: TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Lãnh đạo một số bộ, ngành, UBND các tỉnh trong khu vực. Về phía tỉnh Thái Nguyên, có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham dự Hội thảo.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng điều hành Hội thảo.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo của 3 đại học vùng: Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng điều hành Hội thảo.

Ngày 4/4/1994, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Thái Nguyên cùng được thành lập trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các trường đại học trên địa bàn TP. Huế, TP. Đà Nẵng và TP. Thái Nguyên. Qua 30 năm xây dựng và phát triển, 3 đơn vị đã khẳng định vai trò, vị trí trong chiến lược phát triển giáo dục, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lớn và đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vùng và cả nước. Đến nay, đơn vị đã được đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng, mở rộng ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ cấu tổ chức không ngừng hoàn thiện và phát triển theo hướng đại học đa ngành, đa lĩnh vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các chuyên gia, diễn giả tham dự Hội thảo đã trao đổi, thảo luận, nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành liên quan đến cơ chế, chính sách của đại học vùng thời gian qua. Đồng thời, chỉ ra một số hạn chế về cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của mô hình này; Mối quan hệ, liên kết giữa các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc; Trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị; những bất cập trong thực thi quy định pháp luật về tự chủ đại học liên quan đến các hoạt động chuyên môn, học thuật, nghiên cứu khoa học cũng như trong thực thi quyền tự chủ về tài chính, tài sản, nhân sự...

Hội thảo cũng đã kiến nghị, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ vướng mắc để mô hình đại học vùng trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, như: Cần có hướng dẫn, quy định riêng về hoạt động của đại học vùng; ưu tiên đầu tư nguồn lực cho đại học Vùng phát triển; cần quy định rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm của Giám đốc, Hội đồng đại học, Hội đồng trường trong mô hình đại học 2 cấp. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị xem xét miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, không nộp tiền sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư để khuyến khích đơn vị tích lũy, tái đầu tư nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo sự công bằng giữa các cơ sở giáo dục đại học...

Đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 4 cá nhân có thành tích trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018=2023.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 4 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Nhân dịp này, Đại học Thái Nguyên vinh dự đón nhận Bằng khen của 12 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ. UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen cho 4 cá nhân có thành tích trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2023.