Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về các biện pháp lâm sinh.
Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên
Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT quy định đối tượng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên gồm: Diện tích không đạt tiêu chí thành rừng do khai thác kiệt; nương rẫy bỏ hoang, đất có trảng cỏ, cây bụi xen cây gỗ và bãi bồi cửa sông, ven biển có mật độ cây tái sinh mục đích đạt chiều cao trên 0,5m lớn hơn 500 cây/ha. Cây tái sinh mục đích phân bổ tương đối đều trên toàn diện tích hoặc có các khoảng trống dưới 1000 m2…
Theo Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT, quy định này được sửa thành: Diện tích chưa đạt tiêu chí thành rừng: Rừng do khai thác kiệt; nương rẫy bỏ hoang, đất có trảng cỏ, cây bụi xen cây gỗ và bãi bồi cửa sông, vùng ven biển có mật độ cây tái sinh mục đích đạt chiều cao trên 0,5 m lớn hơn 500 cây/ha; đất ngập phèn có cây tái sinh mục đích lớn hơn 1000 cây/ha. Mật độ cây tái sinh mục đích phân bố tương đối đều trên toàn diện tích hoặc có các khoảng trống dưới 1000 m2.
Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT cũng sửa đổi biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên với đối tượng trên, cụ thể, theo quy định mới: Đối với rừng đặc dụng (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt): Bảo vệ, chống chặt phá cây tái sinh mục đích hiện có; phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đối với rừng đặc dụng (phân khu phục hồi sinh thái), rừng phòng hộ, rừng sản xuất: Bảo vệ, chống chặt phá cây tái sinh mục đích hiện có; phòng cháy, chữa cháy rừng; phát dọn dây leo, cây bụi và chặt bỏ cây cong queo, sâu bệnh, cây phi mục đích; sửa chồi gốc và tỉa bớt chồi xấu, để lại mỗi gốc không quá 2 chồi và thực hiện vệ sinh rừng.
Đối với rừng ngập mặn, ngập phèn: Thiết lập các đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng; dọn cỏ rác, vớt bèo và các đối tượng khác chèn ép cây tái sinh mục đích; làm hàng rào bảo vệ.
Trồng mới rừng phòng hộ
Theo Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT, loài cây trồng được sử dụng để trồng mới rừng phòng hộ được quy định cụ thể như sau:
Đối với diện tích đất chưa có rừng thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư gồm: đất trống; đất có thực bì là cỏ tranh, lau lách; đất có cây bụi, cây gỗ rải rác, cây tái sinh mục đích có chiều cao trên 0,5 m với số lượng dưới 300 cây/ha, không có khả năng tái sinh tự nhiên thành rừng phải chọn những loài cây phù hợp với điều kiện lập địa: Ưu tiên trồng cây bản địa hoặc những loài cây nhập nội đã được trồng lâu năm, sinh trưởng và phát triển phù hợp với hệ sinh thái ở địa phương; cây có tán lá rậm, thường xanh, hệ rễ phát triển, tuổi thọ của cây dài; chọn cây phù trợ để trồng xen với cây trồng chính nhưng không ảnh hưởng xấu đến cây trồng chính, gồm các loài cây sinh trưởng nhanh có tác dụng cải tạo đất hoặc cây lương thực, thực phẩm, cây đa tác dụng, cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ.
Đối với diện tích đất chưa có rừng thuộc rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay gồm: đất trống trên đất cát hoặc đất nhiễm mặn ven bờ biển, chọn các loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên trồng cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện lập địa khắc nghiệt và có khả năng chống chịu gió bão, sâu bệnh tốt.
Đối với diện tích đất chưa có rừng thuộc rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển gồm: đất trống trên các bãi bồi cửa sông, ven biển hoặc có cây tái sinh mục đích chiều cao trên 0,5m với số lượng dưới 300 cây/ha, chọn những loài cây có khả năng thích nghi với môi trường nước mặn, nước lợ; ưu tiên trồng các loài cây bản địa, cây nhập nội đã trồng rừng thành công trên các bãi bồi cửa sông, ven biển và các điều kiện lập địa khắc nghiệt khác.
Theo Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT, diện tích đất chưa có rừng thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; diện tích đất chưa có rừng thuộc rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay thực hiện phát dọn thực bì theo băng hoặc theo đám. Thực bì được gom thành dải dọc theo đường đồng mức nơi đất dốc; được phát trắng thực bì ở nơi có độ dốc dưới 25o (25 độ), nhưng phải chừa lại đai cây xanh ở đỉnh dông, ven khe suối, bờ sông, hồ. Khi xử lý thực bì phải chừa lại toàn bộ cây thân gỗ có sẵn, cây tái sinh mục đích và không được đốt; ở nơi đất dốc trên 25o (25 độ), chỉ cuốc hố cục bộ so le hình nanh sấu theo đường đồng mức hoặc vuông góc với hướng gió chính, kích thước hố trồng từ 30 x 30 x 30 cm trở lên, lấp hố kết hợp với bón lót.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2022.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin