Tháng Giêng, tháng đầu của năm tính theo âm lịch, dù bận, nhiều người dân cũng gác lại công việc, dành thời gian đi lễ chùa cầu an, cầu lộc. Một lệ quen được lưu truyền qua nhiều thế hệ, ăn sâu vào tiềm thức con người, dần trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.
Lễ chùa đầu năm được khai mở vào thời khắc thiêng liêng nhất - giờ khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Ở thời khắc ấy, có gì đó thiêng liêng, hệ trọng khó diễn tả thành lời. Chỉ có tiếng chuông chùa ngân rung, điểm canh, báo hiệu một năm mới đã bắt đầu. Rồi tiếng mõ nguyện cầu đều đặn nhả nhịp vào không gian, cùng mùi trầm thơm độ lượng, lan tỏa, bao dung mang đức tin con người về nơi cửa Phật.
Theo Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên: Trên địa bàn tỉnh có 180 chùa, nhiều nhất là huyện Phú Bình có 82 chùa; T.X Phổ Yên có 36 chùa; huyện Đại Từ có 28 chùa; T.P Thái Nguyên có 13 chùa… Hầu hết các chùa đều đông đúc nhân dân, du khách đến làm lễ hoặc du xuân vãn cảnh. Vì lượng người đến chùa đông hơn thường ngày, nên “nhà chùa” cũng bận rộn hơn vì lo việc khói hương, an toàn cho phật tử, trong đó có việc phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân, như làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết thêm: Hiện trên địa bàn tỉnh 50 chùa có tăng, ni, trong đó có 30 vị trụ trì và 20 vị có đăng ký sinh hoạt với cấp huyện, thị. Còn những chùa chưa có tăng, ni trụ trì đều do các Ban Hộ tự quản lý. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thường xuyên hướng dẫn Ban Hộ tự các chùa làm tốt chức phận giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa. Đồng thời thay mặt tăng, ni hướng dẫn các phật tử sống hiền, tu thiện đúng với phương châm, tôn chỉ của đạo Phật làm tốt đời, đẹp đạo. Minh chứng là việc nhà chùa đang thực hành việc hướng dẫn cho nhân dân, du khách hướng tâm hành thiện trong những ngày tháng Giêng và suốt các ngày trong năm.
Chuyện dâng sao giải hạn đầu năm, theo Đại đức Thích Đạo Quảng, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên: Xuất phát từ nhu cầu của người dân, nhà chùa có thực hành việc dâng sao giải hạn, qua đó hướng người dân vào niềm tin của Phật, giúp người dân trở về với Phật tính, tránh làm việc ác, giảm tạo nghiệp xấu, chú tâm khởi lòng từ bi, giải trừ oan khiên nghiệp báo. Còn bản chất của việc làm này là nghi lễ cầu an, cầu lộc, khơi gợi lòng người phát tâm hướng thiện và hành thiện.
Hầu hết những người năng đi lễ chùa đều thuộc nằm lòng lời chú: “Trong tâm có Phật”. Nghĩa rằng Phật tại tâm, Phật từ tâm, khởi tâm thì Phật độ. Vì thế khi lên chùa chỉ cần nén tâm nhang đã cảm được lòng mình thanh sạch, yên bình, viên mãn, chứ chẳng nhất thiết phải mâm cao, lễ lớn. Tuy nhiên có nhiều người năng đi lễ chùa, nhưng chưa hiểu sâu sắc đạo lý nhà Phật. “Họ” tâm niệm mình có lễ lớn, hoá (đốt) nhiều tiền vàng dâng đức Phật thì đổi lại bản thân cũng nhận được về sự bình an, và tiền tài đến cũng lớn hơn. Thậm chí có không ít người đi lễ chùa còn nhét tiền thật, loại tiền có mệnh giá nhỏ vào tay, vào miệng các pho tượng trong chùa, với ý nghĩ làm như thế trời, Phật mới nhận được lễ vật của mình và hỉ xả ban cho tài lộc.
Một sự mạo phạm đáng trách, nhưng Phật pháp vô biên và từ bi, chẳng nhận tiền của ai, chẳng nhận hối lộ của ai và cũng không thể ban phát được ân lộc như ai đó cầu khấn. Tất cả đều do con người tạo dựng, rồi thổi vảo đó một linh hồn tối thượng để răn dạy mỗi người sống tốt hơn. Bởi rằng: Chùa là chốn tịnh nghiêm, không phải nơi cho ai đó đến dâng lễ, rồi xin được trúng số đề, hoặc thăng tiến trên đường quan lộ. Thậm chí có người cầu xin được lọt vào quy trình công tác cán bộ; được bổ nhiệm chức trách trong cơ quan Nhà nước để “nói có kẻ nghe, đe có kẻ sợ”. Có người miệng khấn, tay xờ mó tượng Phật rồi xoa lên mặt, lên người gây phản cảm… Vì dụng tâm thiếu trong sáng và hành động thiếu văn hóa như thế, thì khi đến cửa thiền, lễ vật càng lớn, càng mạo phạm đến uy linh đức Phật.
Theo Đại Đức Thích Thanh Thắng, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên: Trong cuộc đời mỗi người có một cuộc sống khác nhau, nhưng đều khát khao đời sống tâm linh. Thể hiện là vào dịp đầu xuân, nhiều người dân đến chùa dâng hương khấn, cầu cho ước nguyện của mình được thành tựu, song không biết đến giáo lý của đạo Phật. Không ít người trong số họ bị “thầy, bà” hành nghề mê tín dị đoan lợi dụng trục lợi. Những “thầy, bà” này cho rằng mình được trời Phật ban phát cho một quyền năng đặc biệt là đứng ra cầu cúng, ban phước hoặc giáng họa cho một ai đó với mục đích chỉ để cầu cung kính và lợi dưỡng. Vì thế, nhà chùa luôn thực hiện đúng Hiến chương của Giáo hội, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, từng bước giúp người dân đi lễ chùa có cái nhìn đúng đắn hơn về Phật giáo.
Cổ nhân dạy: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Việc đi lễ chùa cầu an là để tìm sự an lạc tinh thần, chứ không phải để cầu xin cho mình được đắc phúc, đắc tài, đắc lợi lộc.