Thành tâm sắm lễ dâng tổ tiên

Linh Lan 15:32, 21/01/2023

Tháng Chạp, nắng cuối Đông hanh hao. Bóc tờ lịch ngày 30 tháng Chạp, ngước nhìn giàn gấc quả đỏ ối trĩu trịt trên nền lá xanh ngắt ngoài vườn, tôi chợt nôn nao nhớ đến Tết những năm còn bà nội. Nhớ lắm dáng bà tất bật thổi xôi cúng Tất niên thuở nào...

Dịp Tết, chị Lê Quỳnh Trang, ở tổ 9, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) thường làm xôi gấc hoa đậu để dâng lễ gia tiên và phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Hồi đó, cứ đến 29 Tết Âm lịch, tôi lại lăng xăng phụ bà cắt những quả gấc chín để chuẩn bị nấu xôi cúng tất niên. Bà bảo, tổ tiên ta vẫn thích trang trí màu đỏ vào những ngày Tết, bởi màu đỏ tượng trưng cho sắc màu của mùa Xuân, may mắn và hạnh phúc viên mãn. Chính vì vậy mà Tết của các gia đình luôn tràn ngập sắc đỏ rực rỡ, từ các món ăn đến mâm ngũ quả dâng lên tổ tiên. Trong mâm cúng ngày Tết của gia đình tôi cũng như bao gia đình khác từ xưa đến nay không bao giờ thiếu đĩa xôi gấc đỏ dâng lên gia tiên, như niềm tin, hy vọng cầu năm mới bình an cho cả nhà.

Cuộc sống hiện đại ngày nay, việc trang trí hình thức mâm cơm cũng như đĩa xôi lễ ngày Tết càng được mọi người chú trọng. Không đơn giản là đĩa xôi gấc như năm xưa như bà tôi từng nấu, nay, người yêu bếp đã tạo ra thật nhiều tác phẩm ẩm thực xôi hoa đậu với hình thức đẹp để dâng lên gia tiên.

Từ tình yêu và đam mê cái đẹp trong ẩm thực nên 5 năm qua, chị Lê Quỳnh Trang, tổ 9, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật để có thể làm được đĩa xôi hoa đậu đẹp, bắt mắt cho gia đình mình và phục vụ nhu cầu của khách hàng vào các dịp lễ trong năm, nhất là Tết Nguyên đán.

Chị chia sẻ: Một đĩa xôi gấc đầy đặn trên mâm cỗ cúng chính là nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, vừa thể hiện sự thành kính của con cháu với tổ tiên, vừa gửi gắm niềm mong ước năm mới mọi sự bình an. 

Các loại quả viết chữ thư pháp được nhiều người lựa chọn mua bày trong mâm ngũ quả ngày Tết.

Cùng với xôi lễ dâng lên tổ tiên, trong ngày Tết cổ truyền, mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu để dâng cúng, mang ý nghĩa báo hiếu cũng như ước mong về những điều tốt lành đầu Xuân. Những ngày cuối năm, chúng tôi gặp chị Cao Lan Anh, tổ dân phố Giang Tiên, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) đang nhanh tay lựa chọn những loại quả cho gia đình. Chị bảo: Thường, tôi chọn các loại quả có màu xanh tượng trưng cho sự cân bằng, bình yên; thêm quả màu đỏ hoặc màu cam thể hiện may mắn và không thể thiếu màu vàng tượng trưng cho phát tài, phát lộc. Ngoài các quả thông thường, tôi hay chọn các loại quả có viết chữ thư pháp “An, Lộc, Phúc” để thờ, vừa có ý nghĩa tốt, nhìn lại đẹp.

Nói đến chuyện sắm sửa đồ thờ, tôi chợt nhớ hôm đi chợ Thái, thấy những gian hàng đồ trang trí Tết rộn ràng người qua lại mua sắm. Mấy năm trở lại đây rất thịnh hành xu hướng người dân tự làm các tháp bánh, bia, nước ngọt tài lộc. Với số tiền vài trăm nghìn là có thể mua các phụ kiện với các màu sắc bắt mắt, cùng keo dính và chiếc kéo để bắt tay làm thành công tháp lễ bày biện lên bàn thờ tổ tiên. 

Chuẩn bị cho mâm lễ ngày Tết là phong tục vô cùng quan trọng trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Việc bày biện mâm lễ có phần thay đổi và biến tấu hơn để phù hợp với điều kiện từng nhà trong cuộc sống hiện đại. Song tôi hiểu, ở nông thôn hay thành thị cũng cần sự chỉn chu và thành tâm của mỗi người. Và hơn hết, người người, nhà nhà đều cầu mong một năm mới gia đình khoẻ mạnh, bình an, gặp nhiều thuận lợi trong công việc…


Từ khóa:

Tết

mâm cỗ Tết