Không chỉ là tên của một triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" còn là thông điệp xuyên suốt của chuỗi hoạt động bảo tồn, tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam qua hình ảnh và câu chuyện cuộc đời của những người phụ nữ.
Triển lãm khai mạc nhân dịp hướng tới kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ (8-3) và Ngày quốc tế Hạnh phúc (20-3), được UNESCO tại Việt Nam bảo trợ, nhằm quảng bá những nét phong phú, đặc sắc trong văn hóa các dân tộc tại nhiều vùng, miền trên cả nước. Chủ nhân của hàng trăm bức ảnh và hiện vật sống động, rực rỡ được giới thiệu là nhà báo, đạo diễn Nguyễn Bông Mai.
Năm 2022, chị đã dành nhiều tháng đi thực tế tại 44 tỉnh, thành phố, gặp gỡ người dân của 34 dân tộc Việt Nam, ghi hình 55 bộ trang phục dân tộc và thu âm 49 làn điệu dân ca. Trong đó, một số dân tộc có rất ít người, phân bố tập trung tại vùng sâu, vùng xa, văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, chẳng hạn như dân tộc: La Hủ, Pu Péo, Si La, Kháng, Pà Thẻn, Rơ Măm, Hrê, Cống, Mảng, Mạ…
Với mục tiêu khám phá và lan tỏa vẻ đẹp của 54 dân tộc Việt Nam, nữ nhà báo chọn tập trung vào hai yếu tố chính là trang phục và các làn điệu dân ca bởi đó là những yếu tố gắn bó chặt chẽ với người phụ nữ trong mỗi cộng đồng. Hầu như ở mọi dân tộc thiểu số, những người phụ nữ tự tay thực hiện các công đoạn dệt vải, nhuộm, thêu... với kinh nghiệm được bà, mẹ hoặc chị truyền dạy.
Qua nhiều thế hệ, người phụ nữ vừa tiếp thu những tinh hoa, vừa sáng tạo thêm hoa văn mới, rồi họ dệt vải, trong khi ngân nga những bài hát ca ngợi tình cảm gia đình hay thiên nhiên hùng vĩ. Như vậy, trang phục không còn đơn thuần là bộ quần áo để mặc, mà còn phản ánh nét văn hóa và lịch sử của mỗi dân tộc cũng như tâm tư, tính cách của người phụ nữ.
Với sự hỗ trợ của họa sĩ Lê Thiết Cương cùng nhóm tình nguyện viên là các sinh viên trẻ, không gian trưng bày triển lãm được thiết kế, sắp đặt ấn tượng và hiện đại. Hình ảnh về trang phục của 35 dân tộc đi kèm với địa danh nơi chụp cùng những chú thích, diễn giải rất cụ thể về đặc điểm, cách tạo ra và cách đồng bào sử dụng trong đời sống. Từ khăn đội đầu, trang sức, giày, họa tiết thổ cẩm… đều thể hiện nét đặc trưng. Trên thực tế, trang phục của một số dân tộc có sự tương đồng và đôi khi bị nhầm lẫn với nhau, song khi tìm hiểu kỹ sẽ thấy điểm khác biệt.
Chẳng hạn, dân tộc La Ha (Sơn La) là một cộng đồng ít được nhắc đến trong sách vở hoặc các phương tiện truyền thông, phụ nữ La Ha có váy áo khá giống phụ nữ Thái đen nhưng cách sử dụng khăn piêu và trang sức thì khác. Hoặc một số dân tộc lớn chia thành những nhóm địa phương nhỏ hơn và cũng có nhiều nét riêng biệt trong trang phục, trang sức, như người Dao Thanh Phán (Quảng Ninh) với người Dao đầu bằng (Lai Châu)...
Tại triển lãm, không chỉ có dịp nhìn ngắm, tìm hiểu về trang phục dân tộc, khách tham quan còn được trải nghiệm những công nghệ nghe nhìn qua đoạn phim, đoạn âm thanh, cũng như biết thêm nhiều câu chuyện xúc động từ những hình ảnh và hiện vật do nhà báo Nguyễn Bông Mai thu thập trong chuyến đi kéo dài tới 10.000 cây số. Ðó là lá cờ Tổ quốc với chữ ký của các chiến sĩ Ðồn Biên phòng A Pa Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên), là bức ảnh chiếc ghế của Mua, bé gái người Mông chín tuổi bị liệt và không thể đi học...
Bên cạnh những bộ trang phục truyền thống các dân tộc được trình bày trau chuốt, tỉ mỉ là những thân phận, mảnh đời mang theo nỗi buồn man mác. Tuy vậy, phần lớn kỷ niệm mà tác giả Bông Mai nhận được suốt chuyến đi đều ghi dấu sự chân thành, hiếu khách của những người phụ nữ bản địa.
Ðặc biệt, có cả một số gia đình đồng bào dân tộc xuất hiện trong ảnh cũng lặn lội vượt đường xa về Thủ đô Hà Nội để gặp lại Bông Mai và giao lưu với người xem tại triển lãm, kể lại câu chuyện của bản thân, gửi gắm những hy vọng như: bà Lò Thị Pháu (dân tộc Kháng ở huyện Quỳnh Nhai, Sơn La), bà Lò Thị Viển (dân tộc Thái đen ở huyện Yên Châu, Sơn La)...
Hành trình đi tìm và ghi chép về các dân tộc của nữ nhà báo Bông Mai cũng đồng thời là một chuyến du ngoạn qua những phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của đất nước, từ miền núi phía bắc cho đến châu thổ sông Hồng, từ phía tây dãy núi Trường Sơn cho đến duyên hải Nam Trung Bộ và tận những cửa biển ở đồng bằng sông Cửu Long... Tác giả triển lãm đã chia sẻ rằng, từ "rực rỡ" chị chọn không chỉ là của mầu sắc trên trang phục của đồng bào các dân tộc mà còn là màu sắc của những nền văn hóa mới mẻ, thú vị mà chị được tiếp cận; là vẻ đẹp của những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, chất phác của phụ nữ và trẻ em đồng bào dân tộc, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn. Những bộ quần áo, những hoa văn, nghi thức truyền thống của đồng bào vẫn tồn tại chứ không hoàn toàn biến mất trong quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, những di sản ấy vẫn cần được lan tỏa, phát huy rộng rãi hơn, bằng nhiều hình thức.
Chị bày tỏ: "Tôi không phải một nhiếp ảnh gia để chụp được những khuôn hình chuẩn mực và xuất sắc. Tôi chỉ kể lại những câu chuyện có thật, cảm xúc thật thông qua góc nhìn của mình. Góc nhìn của tôi là những chiếc ghế trơ trọi, là đôi bàn tay nhăn nheo, là gương mặt với đôi mắt long lanh hay đơn thuần là đôi chân trần bé xíu đi trên đá sỏi. Ðây là chuyến đi một mình một xe, nhưng tôi không hề cô đơn vì có biết bao đồng bào trên cả nước đã yêu thương, chăm sóc và dõi theo tôi. Tôi muốn kể lại những sắc màu ấy, muốn khoe những người bạn, người thân tôi đã may mắn được gặp trên hành trình này".
Ðến tham dự triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định: Hành trình của nhà báo, đạo diễn Nguyễn Bông Mai cũng là một hành trình đầy cảm xúc, nghị lực; một hành trình rực rỡ với nhiều giá trị nhân văn cao đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ, và tiếp tục mở ra những cơ hội và hoạt động hợp tác giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với những trái tim yêu văn hóa, di sản trong tương lai.
Triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" mở cửa miễn phí đến hết ngày 26-2. Trước đó, tác giả đã thực hiện loạt hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ dự án như ra mắt bộ lịch đón năm mới 2023 bằng tranh vẽ minh họa trang phục các dân tộc Việt Nam, diễn thuyết tại một số hội thảo và tọa đàm về văn hóa tại các cơ quan, trường học trên địa bàn Hà Nội... Trong năm 2023, với nguồn tư liệu và cảm hứng dồi dào từ hành trình này, nhà báo, đạo diễn Bông Mai dự định sẽ phát hành ấn phẩm gồm một cuốn sách ảnh về trang phục dân tộc và một cuốn sách du ký về chuyến đi xuyên Việt.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin