Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) có chủ đề “Văn hóa Việt Nam - khởi nguồn và động lực phát triển” sẽ diễn ra vào ngày 27/2 tại Hà Nội là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm.
Đồng bào dân tộc Thái ở Thanh Hóa biểu diễn tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) |
Với hơn 154 tham luận đăng ký, Hội thảo cho thấy vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý và thực hành văn hóa.
Hội thảo một lần nữa khẳng định các giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn, ý nghĩa thời đại to lớn của bản Đề cương cũng như tầm nhìn của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc; mong muốn đưa ra những giải pháp hiệu quả để góp phần hiện thực hóa khát vọng chấn hưng, phát triển văn hóa dân tộc, góp phần định hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới.
Trong bối cảnh hiện nay, với tiềm năng dồi dào và thế mạnh nổi trội từ nguồn tài nguyên nhân văn, chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội và sự lựa chọn để phát triển. Truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời cùng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng đã và đang là nguồn lực để tiếp tục bổ sung, xây dựng chiến lược phát triển văn hóa với tầm nhìn lâu dài.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, cùng với những thành tựu đạt được, lĩnh vực văn hóa và văn học, nghệ thuật trong những năm gần đây chưa thật sự phát triển tương xứng tiềm năng và đáp ứng được yêu cầu, sự kỳ vọng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước.
Truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời cùng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng đã và đang là nguồn lực để tiếp tục bổ sung, xây dựng chiến lược phát triển văn hóa với tầm nhìn lâu dài. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, cùng với những thành tựu đạt được, lĩnh vực văn hóa và văn học, nghệ thuật trong những năm gần đây chưa thật sự phát triển tương xứng tiềm năng và đáp ứng được yêu cầu, sự kỳ vọng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước.
Thị trường văn hóa phần nào đang chịu không ít tác động tiêu cực với các sản phẩm chất lượng thấp, thậm chí lai căng, không phù hợp truyền thống dân tộc, từ văn học cho đến các loại hình nghệ thuật, báo chí và hoạt động du lịch, liên hoan, lễ hội. Chúng ta đang thiếu, chưa có được những sản phẩm văn hóa đỉnh cao, định vị giá trị ra thế giới. Ngành công nghiệp văn hóa gần đây mới bắt đầu được quan tâm đầu tư, song chưa định hình được hướng đi rõ ràng và còn dàn trải, thiếu những điểm nhấn trọng tâm, trọng điểm, thiếu những mô hình thí điểm, cách làm hiệu quả.
Trong khi đó, tư duy quản lý vẫn còn mang nặng sức ỳ, không theo kịp sự phát triển của xã hội. Chúng ta cũng thiếu các thể chế, cơ chế mở rộng hiệu quả hợp tác công-tư trong lĩnh vực văn hóa, chưa có các quy định pháp lý về thuế hay những ưu đãi dành cho văn nghệ sĩ và hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tạo nên sự chuyển dịch sáng tạo trong các ngành công nghiệp văn hóa.
Các quỹ về đầu tư, tài trợ cho phát triển văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật vẫn còn hết sức hạn chế, không phát huy được các nguồn lực xã hội. Đây cũng là điều mà các nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật đang hết sức trăn trở, thấy rõ trách nhiệm của mình và nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để cải thiện tình hình.
Hiện tại, Việt Nam đang trong thời điểm dân số vàng, tỷ lệ người ở độ tuổi thanh niên khá cao và có khả năng chuyển hóa giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với sự sáng tạo về khoa học công nghệ để có thể nhanh chóng tạo ra một diện mạo mới cho văn hóa. Một lần nữa, văn hóa lại trở thành một mặt trận quan trọng trong nhận thức của mỗi người, là mạch nguồn để phát triển đất nước bền vững trong thời đại mới.
Bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa không chỉ từ ý chí, từ các văn bản, nghị quyết mà phải được hiện thực hóa bằng sự đầu tư và những việc làm cụ thể, qua các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động văn hóa đi vào đời sống và được thị trường trong nước cũng như nước ngoài ghi nhận. Theo Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương, nếu đã coi văn hóa là một mặt trận thì cần phải đầu tư cho mặt trận đó, để biến văn hóa thật sự là trụ cột, là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”.
Có nhiều giải pháp, nhưng để phát triển văn hóa trong giai đoạn tới cần đồng bộ, đòi hỏi sự tham gia liên ngành chứ không còn là câu chuyện riêng của ngành văn hóa. Cũng vì vậy, đầu tư cho văn hóa phải theo các giai đoạn, với tầm nhìn trung hạn cho đến dài hạn, không thể chỉ theo kiểu “lướt sóng” để có sản phẩm ngay.
Ở tầm vĩ mô cũng như vi mô, cần tăng cường nhận thức về tài trợ, đầu tư cho văn hóa, văn học nghệ thuật là đầu tư cho tiến trình phát triển của toàn bộ xã hội và phải hiểu rõ là một quá trình lâu dài, kiên trì mới có kết quả. Bên cạnh nguồn lực xã hội hóa, Nhà nước nên có chính sách đầu tư cho văn hóa tương xứng để tạo điều kiện, cơ hội cho văn nghệ sĩ đóng góp nhiều hơn cho đất nước, thể hiện được sự kết nối giữa hoạt động văn hóa và nhu cầu hưởng thụ sáng tạo, tiêu dùng văn hóa của đại chúng, để văn hóa thật sự là “mặt trận” ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội.
Cụ thể trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, để xác định rõ hướng đi và những mục tiêu đạt được, chúng ta cần có một chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ tối đa cho các tác phẩm có chất lượng cao, chăm lo đào tạo và phát huy các tài năng văn học nghệ thuật.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) “Văn hóa Việt Nam - khởi nguồn và động lực phát triển” vừa là sự khẳng định, đồng thời cũng là cơ hội để lan tỏa những giá trị mang tính thời đại của Đề cương, vừa là dịp nâng cao nhận thức và hướng vận dụng những giá trị đó trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, góp phần định vị được bản sắc dân tộc trong hội nhập quốc tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin