Địa chỉ đỏ trên đỉnh đèo cách mạng

Phạm Ngọc Chuẩn 09:37, 29/05/2023

Vắt qua đỉnh núi Hồng là đèo De - trục đường nối liền xã Phú Đình (Định Hóa, Thái Nguyên) với xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân trong vùng đã gọi đèo De là đỉnh đèo cách mạng. Đặc biệt, trên đỉnh đèo De ngày nay có Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa) thường xuyên đón các đoàn đến tham quan và dâng hương, báo công với Bác. Ảnh: T.L
Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa) thường xuyên đón các đoàn đến tham quan và dâng hương, báo công với Bác. Ảnh: T.L

Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp hơn 3.000 ngày không nghỉ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ, chiến sĩ bao lần băng rừng đèo De, qua lại giữa hai vùng đất Thái Nguyên và Tuyên Quang để lãnh đạo kháng chiến. Đặc biệt, tại mái lán Tỉn Keo (Phú Đình), Người cùng Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tất cả đã đi vào sử xanh đất nước, hóa thành hùng thiêng sông núi. Những địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ đứng chân đã trở thành di tích lịch sử cách mạng, một quần thể di tích lịch sử đặc biệt ở Thủ đô gió ngàn. Đặc biệt, trong quần thể di tích ấy có một công trình mang ý nghĩa nhân văn được xây dựng, đó là Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà Tưởng niệm được khánh thành nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Bác (năm 2005) và dần trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Ngoài ý nghĩa dâng hương tưởng nhớ công ơn trời bể của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng hùng cường, Nhà Tưởng niệm còn được nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh lựa chọn làm địa điểm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, có thể kể đến như: Lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên mới; trao giấy chứng nhận hoàn thành các khóa học chính trị; phát động phong trào thi đua yêu nước...

Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Trên tổng diện tích khuôn viên rộng hơn 16.000m2, hệ thống công trình gồm các hạng mục chính: Tứ trụ, tam quan, nhà dâng hương tưởng niệm, đường nội bộ và khuôn viên cây xanh. Hiện nay, trên cả nước, đây là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn nhất. Mỗi năm, Nhà Tưởng niệm đón hàng trăm đoàn khách trong nước, quốc tế về dâng hương tưởng nhớ Bác.

Từng hạng mục công trình đều mang ý nghĩa sâu sắc. Bắt đầu từ cổng tứ trụ đến nhà tam quan là 115 bậc đá, tượng trưng cho 115 năm Ngày sinh của Người (1890-2005). Từ nhà tam quan lên đến nhà dâng hương có 79 bậc thềm, tượng trưng 79 mùa Xuân của một con người vĩ đại. Dọc hai bên 194 bậc đá từ cổng tứ trụ lên đến sân nhà dâng hương được trồng 2 hàng tùng, bách, tượng trưng cho đội tiêu binh lặng lẽ đứng canh cùng gió ngàn bốn mùa vi vu vỗ về.

Dưới nắng tháng Năm, Nhà Tưởng niệm Người trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng, hài hòa trong khối cây xanh được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế trồng lưu niệm.

Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa đón tiếp hàng trăm đoàn khách trong nước, quốc tế/năm.
Mỗi năm, Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp hàng trăm đoàn khách trong nước, quốc tế.

Nhà Tưởng niệm được thiết kế, xây dựng theo kiến trúc thờ tự truyền thống phương Đông; mái lợp ngói đỏ, cuối mái cong vút theo kiểu “đầu đao lá mái”; với tổng diện tích sàn hơn 600m2, gồm 2 tầng. Gian chính diện đặt điện thờ, có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc đồng cao gần 1m, do các nghệ nhân làng Ngũ Xá (Hà Nội) chế tác.

Phía trên treo bức hoành phi với dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”; đối diện là bức đại tự “Hồ Chí Minh mặt trời sáng mãi”; hai bên khắc họa sơn son, thếp vàng câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu: “Thâu hết tinh hoa kim cổ lại/Xây cao văn hiến nước non này”.

Nhiều hình ảnh tư liệu, hiện vật về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Tân Trào “Thủ đô khu giải phóng” và ATK Định Hóa được trưng bày trang nghiêm mà gần gũi tại đây.

Từ trên cao nhìn xuống thấy khu Nhà Tưởng niệm đẹp tựa đóa sen tươi hồng vừa độ nở, với 79 cây vạn tuế tượng trưng cho những cánh sen tươi ngời sức sống. Một không gian khoáng đạt với bờ “bông bụt đỏ hoa quê”, gần gũi gọi tháng Năm về. Để mỗi ngày trên đỉnh đèo cách mạng, từ Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếng chuông, tiếng khánh đều đặn ngân rung âm hưởng hùng thiêng sông núi, vọng vào ngàn dặm nước non, thong thả rơi vào thinh không, rồi vọng lại bâng khuâng giữa trời tháng Năm một niềm nhớ công ơn trời bể của Người.