Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nửa đầu năm 2023 ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ của các hoạt động văn hóa - xã hội với nhiều khởi sắc, trong đó phải kể đến sự phục hưng của lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội. Từ xu hướng tích cực này, nhiều lễ hội trăm năm, nghìn năm tuổi trên đất Kinh kỳ - Kẻ Chợ đã được hồi sinh, khoe sắc rực rỡ trong “bức tranh” lễ hội đa sắc của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.
Lễ hội chùa Láng 2023 phục dựng nhiều nghi thức cổ truyền sau 70 năm gián đoạn. Ảnh: Miên Hạo |
Lễ hội - cầu nối giữa quá khứ và hiện tại
Sau 70 năm gián đoạn việc thực hành, mới đây, lễ hội truyền thống tại chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) đã đưa trở lại đời sống toàn bộ nghi thức dân gian có trong hồ sơ di sản, từ đám rước lâu đời, tục “độ hà” thể hiện đạo hiếu… đến nghi thức “đấu thần” - hội trận độc nhất vô nhị trong kho tàng lễ hội Việt Nam, tạo nên một không gian lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa và giá trị lịch sử lâu đời.
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết, việc phục dựng các nghi thức cổ truyền của Hội Láng là nhằm đáp ứng tình yêu, niềm mong mỏi của nhân dân địa phương dành cho di sản, qua đó góp phần giáo dục truyền thống văn hóa cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng lễ hội trong phát triển công nghiệp văn hóa từ du lịch di sản ở địa phương.
Trước đó, tại huyện Ba Vì, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh với trung tâm là cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ đã được mở ra cùng nhiều nghi thức dân gian độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Kinh, Mường, Dao. Trong đó, việc tái hiện nghi thức rước kiệu dâng Thánh Mẫu từ đền Hạ sang đền Lăng Sương đã tạo nên một hành trình văn hóa thiêng liêng và đặc sắc, thu hút hàng nghìn người hòa mình vào không gian lễ hội.
Cùng với quận Đống Đa và huyện Ba Vì, nửa đầu năm 2023 cũng ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ của nhiều lễ hội sau thời gian dài “đóng băng” vì dịch COVID-19, không chỉ giới thiệu những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, mà còn thể hiện sức sáng tạo và nỗ lực phục hưng văn hóa, góp phần làm cho lễ hội phong phú, đa dạng và hấp dẫn hơn trong đời sống cộng đồng hôm nay.
Có thể kể đến, hội đền Cổ Loa với việc đưa vào không gian lễ hội trò chơi bắn nỏ, nhằm gợi nhớ câu chuyện nỏ thần thời An Dương Vương dựng thành, chống giặc, thu hút đông đảo du khách. Cũng tại đây, huyện Đông Anh đang ấp ủ Đề án xây dựng đền thờ Ngô Quyền ở chính nơi ngài làm lễ xưng vương sau nghìn năm Bắc thuộc, đồng thời nghiên cứu phục dựng lễ hội truyền thống liên quan đến vị Tổ trung hưng và sự kiện đặc biệt này.
Tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ Hà Nội thời gian qua, các đơn vị liên quan đã nỗ lực nghiên cứu để phục dựng và ra mắt công chúng nhiều nghi lễ truyền thống đã từng hiện diện trên đất Thăng Long - Hà Nội, như: Nghi lễ Chính Đán, nghi lễ Tiến Xuân ngưu, lễ hội đèn Quảng Chiếu…
Định vị bản sắc để phát huy hiệu quả
Hà Nội với lịch sử nghìn năm văn hiến, nguồn tài nguyên dồi dào, đa dạng về loại hình và giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật… Trong đó, riêng lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội ghi nhận 1.793 địa chỉ văn hóa và có tới 1.206 lễ hội. Sự trở lại mạnh mẽ của nhiều lễ hội thời gian qua cùng với hoạt động phục dựng nhiều nghi thức truyền thống, góp phần bảo lưu, làm giàu thêm cho di sản là minh chứng cho thấy người Hà Nội đang ngày càng coi trọng vai trò của văn hóa, trong đó có lễ hội truyền thống trong sự phát triển Thủ đô và đất nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ, điều quan trọng nhất để phục hưng lễ hội là cần phải nhận diện được nhiều mặt. Trong đó, quan tâm nhất là nhận diện những gì đặc trưng, đặc thù của lễ hội ở khu vực đó. Nhận diện để mô tả lại lễ hội, tìm ra câu trả lời cái gì có thể phát huy được và có thể mang giá trị về mặt kinh tế - xã hội. Muốn nhận diện được thì phải tham vấn ý kiến của những người làm nghiên cứu chuyên sâu. Tiếp đó là phải có sự kết hợp với các bên liên quan trong tổ chức, truyền thông về lễ hội để thu hút người dân, khách du lịch.
Còn Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Phạm Lan Oanh cho rằng, lễ hội truyền thống luôn kèm theo các tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân địa phương, cùng các sản phẩm ẩm thực, nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn... Đó chính là nguồn lực tiềm tàng để Hà Nội khai thác cho sự phát triển. Việc phục hồi toàn diện, tránh trùng lặp giúp Hà Nội tìm ra bản sắc riêng qua mỗi lễ hội, từ đó có thể cắt lớp văn hóa truyền thống, tìm được những thực hành quý giá lâu nay bị chìm khuất, từ đó đưa lễ hội vào đời sống tự nhiên hiệu quả, mang hơi thở đời sống mới, thể hiện Hà Nội văn minh, hiện đại mà vẫn mang những nét cổ kính đặc trưng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin