Tiếp “lửa” đam mê, khơi nguồn sáng tạo văn hóa

Quốc Tuân - Nguyên Ngọc 06:24, 18/05/2023

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa còn thì dân tộc còn” - quan điểm ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị cụ thể hóa bằng Nghị quyết chuyên đề số 23-NQ/TW (Nghị quyết số 23) ngày 16/6/2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới.

Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, Nghị quyết số 23 đã được tỉnh Thái Nguyên triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng nền VHNT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và khơi dậy niềm đam mê, chắp cánh cho khát vọng sáng tạo của các văn nghệ sĩ.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, dẫn đầu Đoàn công tác của tỉnh đến động viên, tặng quà Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Thị Hồng và các nghệ nhân hát Then của tỉnh. Ảnh: N.N
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, dẫn đầu Đoàn công tác của tỉnh đến động viên, tặng quà Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Thị Hồng và các nghệ nhân hát Then của tỉnh. Ảnh: N.N

Nghị quyết số 23 ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng nền VHNT, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển nền VHNT nước nhà và nguyện vọng của đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước.

Ngay sau khi Nghị quyết số 23 ra đời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 24-CTr/TU, ngày 28/10/2008 về “tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”; các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tích cực quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết, tạo sự lan tỏa đến nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết: Nhìn lại chặng đường 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, lĩnh vực VHNT của Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu nổi bật. Nghị quyết số 23 và sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh là động lực quan trọng đối với các văn nghệ sĩ.

Thời gian qua, đội ngũ nhà văn, nhà thơ, hội viên của Chi hội Thơ, Chi hội Văn thuộc Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật và tư tưởng sâu sắc, với cảm hứng và đề tài chủ đạo là quê hương, con người Thái Nguyên. Nhà văn Phan Thái, Chi hội trưởng Chi hội Văn, Hội VHNT tỉnh, chia sẻ: Nghị quyết 23 như kim chỉ nam cho văn học trong thời kỳ mới - thời kỳ hiện đại hóa, công nghệ và hòa nhập mạnh mẽ với toàn cầu.

Lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật cũng có những thành tựu nổi bật với nhiều chương trình công phu được dàn dựng, biểu diễn phục vụ các ngày lễ, sự kiện kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, cho biết: Thái Nguyên có nhiều chương trình nghệ thuật lớn. Đây là cơ hội để chúng tôi thỏa sức sáng tạo phục vụ biểu diễn và dự thi, giành huy chương tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Hội VHNT tỉnh - ngôi nhà chung của các văn nghệ sĩ Thái Nguyên cũng ngày càng phát triển, lớn mạnh. Đến nay, Hội có 300 hội viên hoạt động tại 11 chi hội chuyên ngành và 8 hội thành viên các huyện, thành phố. 15 năm qua, Hội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện có tiếng vang trong khu vực và trên cả nước, như: Lễ hội thơ Nguyên tiêu; đăng cai 3 liên hoan ảnh nghệ thuật và 1 triển lãm mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc); tổ chức 14 cuộc thi sáng tác văn học; gần 50 cuộc triển lãm nghệ thuật, hỗ trợ sáng tác...

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, chia sẻ: Sự đổi mới mạnh mẽ nhất có thể kể đến là công tác chuyển đổi số trong hoạt động VHNT. Nhiều hoạt động VHNT ứng dụng chuyển đổi số của Thái Nguyên đã được cả nước ghi nhận.

Các nghệ sĩ, diễn viên của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tập luyện chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện chính trị của tỉnh. Ảnh: Q.T
Các nghệ sĩ, diễn viên của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tập luyện chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện chính trị của tỉnh. Ảnh: Q.T

Từ thực tế có thể khẳng định, việc xây dựng và phát triển VHNT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua, đặc biệt là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, đóng góp rất quan trọng và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đóng góp vào sự lớn mạnh của nền VHNT cả nước.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về VHNT ngày càng được nâng lên. Các hoạt động VHNT có bước phát triển mới và chuyên nghiệp hơn… Đây là điều kiện thuận lợi để Thái Nguyên tiếp tục phát triển và giành được nhiều thành tựu hơn nữa trong lĩnh vực VHNT thời gian tới.