Có tăng lương không? Bao giờ tăng lương? Đấy là những câu hỏi được dùng nhiều nhất trong khoảng thời gian từ sau đợt tăng giá xăng ngày 21/7.
Những lo ngại về lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao đang dấy lên trong bộ phần lao động hưởng lương. Vấn đề một lần nữa được xới lên là mức lương tối thiểu 540.000 đồng/tháng hiện nay đã sát với mặt bằng tiền công trên thị trường và nhu cầu sống tối thiểu của người dân?
Ông Trịnh Huy Quách, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng đồng ý với quan điểm cho rằng nhiều người lao động đang thật sự khó khăn, nhưng theo ông, với điều kiện ngân sách hiện nay và mục tiêu ưu tiên là kìm chế lạm phát thì dường như hoàn cảnh khó cho phép tăng lương trong lúc này.
Ông Quách nói:
- Chúng ta đang trải qua một thời kỳ khó khăn với lạm phát phi mã đến hai con số. Giá cả tăng cao liên tục trong các tháng từ đầu năm đến nay gây nên rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt của người dân.
Lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy, trong thời kỳ lạm phát tăng cao, chịu tác động khó khăn nhất là những người có thu nhập thấp, người làm công ăn lương…
Riêng với đối tượng người hưởng lương từ ngân sách, tôi cũng đồng tình với ý kiến cho rằng mức lương tối thiểu hiện nay chưa sát với mặt bằng tiền công trên thị trường và nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Hiện tượng vừa qua ở một số địa phương, nhất là thành phố lớn, có nhiều cán bộ, công chức xin ra khỏi biên chế Nhà nước, theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó rõ ràng là có nguyên nhân về thu nhập tiền lương ít ỏi, không đủ trang trải cho những nhu cầu cơ bản của cuộc sống hằng ngày.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định là Chính phủ đã rất cố gắng nâng cao thu nhập cho người lao động. Trong vòng 5 năm qua, Chính phủ đã 4 lần điều chỉnh lương tối thiểu từ mức 210.000, lên 290.000, 350.000, 450.000 và cuối cùng là 540.000 đồng/tháng vào đầu năm nay.
Nhưng đó là theo lộ trình tăng lương. Vấn đề hiện nay là lạm phát tăng cao và, thu nhập không đủ trang trải nhu cầu sống tối thiểu…
Tôi có thể khẳng định điều kiện ngân sách lúc này khó có thể cho phép chúng ta tính tới bài toán tăng lương cho người lao động hưởng lương từ ngân sách.
Với số lao động làm việc trong khu vực hành chính sự nghiệp khoảng 1,5 triệu người, tăng lương tối thiểu đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ phải chi thêm một khoản ngân sách rất lớn.
Trong khi đó, để kiềm chế lạm phát, Chính phủ vừa qua đã phải cắt giảm nhiều dòng thuế nhập khẩu, thêm vào đó là phải chi ra rất nhiều tỷ đồng để bù lỗ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Một lý do nữa, việc tăng lương sẽ đẩy lạm phát tăng cao, đi ngược lại mục tiêu hàng đầu trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ hiện nay là kiềm chế lạm phát.
Cuối cùng, điều đó dễ tạo ra những hiệu ứng tâm lý xã hội không có lợi. Chúng ta đã có những bài học đắt giá về vấn đề giá - lương - tiền trong lịch sử.
Việc tăng lương trong lúc lạm phát cao chưa chắc đã tốt cho người được hưởng lương mà không khéo lại đi vào vòng luẩn quẩn là tăng lương thì giá cả lại tăng cao hơn và đời sống người lao động càng khó khăn hơn.
Ông có đề cập đến các giải pháp của Chính phủ, trong đó cũng nêu vấn đề cần đảm bảo an sinh xã hội. Tăng lương cũng có thể hiểu là để đảm bảo an sinh xã hội chứ?
Đảm bảo an sinh xã hội không chỉ là tăng lương tối thiểu.
Ưu tiên trước mắt của Chính phủ trong việc bảo đảm an sinh xã hội lúc này là trợ giúp bà con nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa…, những người còn hết sức khó khăn và họ không được hưởng lương.
Với đối tượng hưởng lương từ ngân sách, theo tôi giải pháp lúc này là các cơ quan đơn vị và người lao động tiết kiệm chi tiêu.
Chúng ta đã có cơ chế khoán chi phí hoạt động cho các đơn vị hành chính, khoản tiết kiệm từ chi tiêu có thể dùng một phần để cải thiện thu nhập cho người lao động.
Đồng thời có thể sử dụng số tiền tiết kiệm 10% chi thường xuyên để trợ cấp cho những người có mức lương thấp, những đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội mà có nhiều khó khăn…