Y tế trường học: Thiếu kinh phí, thiếu nhân lực

07:26, 03/08/2008

Ngày 3/8, tại Phú Thọ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác y tế trường học.

Sau hai năm thực hiện Chỉ thị, ngành y tế và ngành giáo dục đã phối hợp mở 400 lớp tập huấn nghiệp vụ y tế trong nhà trường cho hơn 24.000 lượt cán bộ y tế trường học, giáo viên kiêm nhiệm ở 50 tỉnh, thành. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ y tế trường học chuyên trách ở tất cả các cấp học chỉ đạt 15,1%, trong đó các trường mầm non tỷ lệ này rất thấp, chỉ đạt đạt 5,9%. Tỷ lệ học sinh có sức khỏe tốt từ 60-68%, trẻ suy dinh dưỡng ở thể nhẹ là 26,7%, thấp còi 22,3%. Tật khúc xạ có tỷ lệ từ 9,4-17,2%, cong vẹo cột sống từ 4,48-18,9%. Một số bệnh, tật học đường chưa được phát hiện và xử lý kịp thời như bệnh sơ hóa cơ denta, tay-chân-miệng, béo phì, trầm cảm...

 

Nhu cầu về trang thiết bị y tế trong nhà trường là rất lớn, nhưng chưa được trang bị để đáp ứng cho công tác khám, chữa bệnh ban đầu. Tại trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, huyện, các thiết bị y tế phục vụ cho hoạt động kiểm tra, giám sát vệ sinh học đường hầu như không có, hoặc đã cũ, lạc hậu... Thực trạng trên đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên và thành quả giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ trong nhà trường.

 

Các đạii biểu dự hội nghị cũng đã nêu nguyên nhân dẫn đến kết quả công tác y tế trường học chưa được như mong muốn là do thiếu cán bộ y tế làm công việc này, chế độ đãi ngộ chưa thu hút được cán bộ y tế làm chuyên trách y tế nhà trường. Chỉ một số ít cán bộ chuyên trách y tế trường học được hưởng phụ cấp của ngành y tế, nếu là cán bộ hoặc giáo viên kiêm nhiệm thì không được hưởng chế độ của ngành y tế. Một số nơi, cán bộ y tế chuyên trách chỉ được hưởng lương hợp đồng 9 tháng của năm học. Một nguyên nhân khác là do thiếu kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất. Cùng với nguồn kinh phí của Nhà nước, hiện tại, Bảo hiểm y tế trích lại cho nhà trường từ 17-20% phí bảo hiểm y tế tự nguyện của học sinh, nhưng do số lượng học sinh tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện thấp, nên không phát huy được tác dụng.

 

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo phấn đấu 80% trường học có đủ điều kiện về vệ sinh trường học, lớp học, có sân chơi, công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn bán trú...; từ năm học 2008-2009, triển khai tốt phong trào thi đua "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", xây dựng tiêu chí trường đạt chuẩn về y tế trường học... Bộ đã đưa ra 5 nhóm giải pháp tăng cường công tác y tế trường học, trong đó có nhóm giải pháp về nguồn nhân lực và nhóm giải pháp về kinh phí. Bộ chủ trương tăng cường cán bộ chuyên trách công tác y tế trường học tại các cơ sở giáo dục đào tạo, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ này ở các trường cao đẳng, trung cấp y tế tại mỗi địa phương; huy động các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, các nhà tài trợ cho công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh; chú trọng giáo dục nội, ngoại khóa cho học sinh về phòng chống bệnh, tật, tai nạn thương tích, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, bảo vệ môi trường.../.