Dân số và vấn đề an ninh lương thực

14:00, 16/02/2009

Những đứa con liên tục chào đời, gánh nặng đè lên hũ gạo, nghèo đói và thất nghiệp… khó khăn chồng chất, đó là phác thảo bức tranh về áp lực của dân số (DS) lên các vấn đề nóng như an ninh lương thực (ANLT), việc làm và nghèo đói.

Trong giai đoạn 1995-2006, DS nước ta tăng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng lương thực, nên Việt Nam đã đạt ANLT, nghĩa là có đủ lương thực, dễ mua và mọi người đều có lương thực. Hiện cả nước còn khoảng 15% số hộ nghèo, trong đó có 0,8 đến 1 triệu nhân khẩu nông nghiệp thiếu lương thực. Trong khi đó, mục tiêu phát triển của chúng ta là đến năm 2020, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp, có hơn 40% DS ở đô thị. Vì vậy, những thách thức về duy trì diện tích trồng lúa cũng như sớm ổn định quy mô DS sẽ rất lớn. Để bảo đảm ANLT một cách bền vững phải làm từ mọi phía: kiểm soát sự gia tăng DS, duy trì sản lượng lương thực, xóa đói giảm nghèo, hướng dẫn cơ cấu bữa ăn hợp lý, đủ chất, đủ năng lượng.

Theo thông báo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế, năm 2009 sẽ có khoảng 51 triệu người mất việc làm trên toàn thế giới. Theo đó, tỷ lệ người thất nghiệp sẽ ở mức 7,1% cho tới cuối năm 2009; trong năm 2008 số người thất nghiệp là 6%, năm 2007 là 5,7%... Còn theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước còn 61 huyện (gồm 797 xã và thị trấn) thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Mục tiêu đặt ra, từ nay đến năm 2010 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 40%; năm 2020, tỷ lệ này phải giảm xuống ngang bằng mức trung bình của khu vực.

Tất cả những khó khăn và thách thức trên đòi hỏi phải thực hiện tốt chiến lược DS, triển khai tổng thể chương trình nâng cao chất lượng DS Việt Nam. Ông Nguyễn Bá Thủy, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ cho biết, trong thời gian tới, tập trung mọi nỗ lực đạt mục tiêu giảm sinh vững chắc nhằm đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là 0,2%o, nhanh chóng ổn định mức sinh thay thế để ổn định quy mô DS, nâng cao chất lượng DS. Để đạt được điều đó, cả hệ thống làm DS-KHHGĐ tập trung tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp thông qua mạng lưới CTV, tuyên truyền viên ở cơ sở, tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS ở vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao.