Sau những ngày nghỉ đầu năm êm ả, người dân Sài Gòn đã bắt đầu cảm nhận lại hơi thở ngột ngạt do lô cốt mọc khắp nơi. Tình trạng buôn bán vỉa hè tràn lan cùng mật độ xe dày đặc khiến giao thông thành phố rối tung.
Gần cuối buổi tan tầm, khi lượng xe đổ về mỗi lúc một đông, con đường chỉ còn khoảng hơn 1 m hai bên do bị lô cốt thắt cổ chai đã vượt quá sức chịu đựng. Xe buýt, ôtô, xe máy thi nhau chen cả lên lề cố vượt qua được nút thắt cổ chai,
“Rào chắn này mới thi công nhưng mặt đường hai bên đầy ổ gà ổ voi, nước chảy từ trong ra đọng lại thành từng vũng rất nguy hiểm. Mỗi chiều khu vực này kẹt xe nghiêm trọng mà không thấy ai điều tiết giao thông”, một người dân ở đây cho biết.
Cách đó chừng 500 m, một rào chắn khác cũng mới xuất hiện tại nút giao Trần Quốc Thảo - Kỳ Đồng ngay tuần đầu tháng 2, càng khiến cho giao thông khu vực này thêm rối loạn.
Cùng chung cảnh ngộ, người dân trên đường 3/2 (đoạn gần vòng xoay Dân Chủ) cũng đã thấm "virus" kẹt xe. Chỉ ngay sau khi lô cốt thuộc dự án vệ sinh môi trường thành phố được dựng lên hồi đầu tuần trước, hầu như mỗi sáng, căn bệnh ùn tắc lại tái phát.
Trễ giờ, bực bội là những chuyện thường thấy ở những con đường mới được rào thi công. “Mọi lần đường 3/2 ra vào tương đối thoáng, nay kẹt cứng, mất cả tiếng đồng hồ không thoát ra được để đến cơ quan”, chị Thanh Giang làm ở công ty thực phẩm quận 10 mệt mỏi nói.
Không những các tuyến đường chính như 3/2 (nối liền quận 3, 10, 6), đường Lê Văn Sỹ (tuyến huyết mạch theo hướng Bắc – Nam của thành phố) mà cả những đường nhỏ cũng bị ảnh hưởng bởi làn sóng đào đường đang diễn ra tại TP HCM.
Đường Âu Cơ, Trường Chinh (Tân Bình), Cao Thắng, Lý Chính Thắng (quận 3)… gần đây xuất hiện "những tuyến đường cần tránh" vào giờ cao điểm do nhiều lô cốt mới mọc lên gây ra cảnh kẹt xe cục bộ thường xuyên.
Ngoài rào chắn, người dân TP HCM còn bị trận đồ kẹt xe vây tứ phía từ những nguyên nhân khác. Đường Trần Quang Diệu (quận 3) chiều qua cũng chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn giao thông, người đi bộ tràn xuống lòng đường do vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi buôn bán. Cảnh dừng đậu xe hỏi mua hàng dưới lòng đường càng làm giao thông thêm tắc nghẽn. Đường Nguyễn Trãi quận 5 vào mỗi tối cũng tương tự.
Tại nút giao Phan Đình Phùng - Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận) người lưu thông qua đây như một cuộc vật lộn để đào thoát. Phải mất 3-4 lần tín hiệu đèn đỏ, người đi đường mới vượt qua được ngã tư này. Giao cắt Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng (quận 3) cũng không khá hơn.
Theo nhiều chuyên gia giao thông, tình hình rối loạn giao thông chỉ mới là bước khởi đầu được dự báo là năm của lô cốt - kẹt xe.
Báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP HCM cho thấy, năm 2009 sẽ có gần 100 rào chắn được dựng lên, thêm trên 80 tuyến đường bị đào bới.