Tính đến hết năm 2016, Thái Nguyên có trên 6.100 người nhiễm HIV/AIDS (trong đó có gần 5.000 người có mặt tại địa phương). 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, tỉnh ghi nhận thêm khoảng 200 người nhiễm HIV mới. Trong khi đó, công tác phòng chống HIV/AIDS đang gặp nhiều khó khăn.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành chuyển các cơ sở điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (thuốc ARV) từ trung tâm y tế sang bệnh viện đa khoa cấp huyện để triển khai thực hiện khám chữa bệnh cho bệnh nhân HIV thông qua Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT). Quá trình chuyển đổi này diễn ra khá thuận lợi, không làm gián đoạn quá trình điều trị của bệnh nhân. Tuy nhiên, trong số hơn 3.100 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở điều trị ngoại trú ARV trên địa bàn tỉnh, vẫn còn trên 700 người (chiếm 22,6%) chưa có thẻ BHYT. Nhóm đối tượng này đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không có khả năng tự chi trả chi phí xét nghiệm, điều trị. Trong khi hiện nay, các bệnh nhân HIV chỉ còn được Dự án Quỹ toàn cầu cấp miễn phí thuốc ARV và hỗ trợ phí xét nghiệm đo tải lượng vi rút, xét nghiệm đếm tế bào CD4, còn lại hàng chục xét nghiệm khác, bệnh nhân sẽ tự phải thanh toán nếu không có BHYT. Theo dự tính, nguồn tài trợ của Dự án rất có thể sẽ kết thúc vào cuối năm 2017. Việc này, dẫn đến nguy cơ bệnh nhân bỏ phác đồ điều trị do không thể thanh toán chi phí là rất cao. Cùng với đó, hiện nay, các bệnh viện tuyến huyện chuyển sang mô hình phòng khám điều trị ngoại trú ARV cũng đang gặp khó khăn khi phải tiếp đón thêm một lượng lớn bệnh nhân trong bối cảnh cơ sở vật chất, nhân lực phải kiêm nhiệm thêm nhiều công tác khám chữa bệnh khác...
Bên cạnh các nguồn tài trợ, hiện nay, kinh phí cho công tác phòng chống HIV/AIDS cũng bị cắt giảm khá nhiều. Do vậy, tỉnh đã ưu tiên dành tiền cho các hoạt động cấp thiết hơn, kinh phí dành cho công tác truyền thông gần như không còn. Trên thực tế, thời gian gần đây, công tác truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị với bệnh nhân HIV hầu hết chỉ được thực hiện trong các nhóm đồng đẳng hoặc tình nguyện viên, còn công tác truyền thông trong cộng đồng gần như bị bỏ ngỏ. Điều này nếu kéo dài trong một thời gian sẽ gây những hệ quả xã hội nghiêm trọng về nhận thức của người bệnh, xã hội về HIV/AIDS, dẫn đến nguy cơ số người nhiễm mới này tăng cao trong cộng đồng hoàn toàn có thể xảy ra.
Thái Nguyên hiện là một trong những địa phương có lượng di biến động dân cư lớn nhất trong cả nước do lượng học sinh, sinh viên đặc biệt là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp tăng cao. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất làm gia tăng các vấn đề xã hội như: Mất trật tự an ninh xã hội, tình dục không an toàn làm gia tăng nguy cơ nhiễm và lây lan HIV trong cộng đồng. Theo số liệu chưa chính thức, đã phát hiện một số trường hợp HIV dương tính từ nhóm dân cư di biến động, trong đó có công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Trong khi đó, thực tế cho thấy, sự phối hợp giữa các đơn vị trong tỉnh với các khu công nghiệp trong việc phòng chống HIV/AIDS chưa thực sự hiệu quả.
Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS, ông Trương Bình Minh, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh chia sẻ: Phòng chống HIV/AIDS là một cuộc chiến dai dẳng, cần nhiều thời gian và nguồn lực để duy trì các hoạt động hiệu có. Theo thống kê hàng năm, số người nhiễm HIV mới của tỉnh có xu hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, đối với những khó khăn, tồn tại đang diễn ra, chúng tôi đang từng bước tháo gỡ và đề xuất với tỉnh hỗ trợ các phương án giải quyết. Hiện nay, Trung tâm đang xây dựng kế hoạch phòng chống HIV/AIDS giai đoạn tiếp theo xin ý kiến Sở Y tế và UBND tỉnh.
Trong đó, Trung tâm chủ trương duy trì mạng lưới phòng, chống HIV các cấp hiện có, xây dựng kế hoạch đảm bảo tài chính cho hoạt động: truyền thông, can thiệp giảm tác hại, tư vấn, xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS sớm và giám sát dịch tễ sau khi Dự án cắt giảm kinh phí. Trong đó, công tác truyền thông cần được tăng cường để giúp người dân nâng cao ý thức về phòng, chống HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm trong cộng đồng. Cũng với việc tập trung tiếp cận các nhóm đối tượng nguy cơ cao, cần có sự vào cuộc và phối hợp của lãnh đạo các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh về truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân. Đồng thời trong thời gian tới, các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS, tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh khi tiếp cận dịch vụ thông qua BHYT.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, ban ngành đoàn thể và cả cộng đồng. Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ người nhiễm mới HIV, thiết nghĩ, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; tăng cường sự tham gia hỗ trợ của gia đình, xã hội; mở rộng độ bao phủ BHYT trong nhóm bệnh nhân HIV, nâng cao chất lượng, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Cùng với đó, cần huy động được đầu tư từ phía các địa phương, đơn vị và các doanh nghiệp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.