Đổi mới hình thức đối thoại với nhân dân - Một kênh dân vận khéo

19:11, 18/08/2018

Những năm gần đây, nhân dân xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ đã không còn xa lạ với việc lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện, xã đối thoại trực tiếp với người dân để lắng nghe và giải đáp những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Qua đó cho thấy, đối thoại là cách vận động quần chúng linh hoạt, hiệu quả nhằm tạo sự đồng thuận từ phía người dân trong thực hiện các chủ trương lớn của huyện, xã.

Lắng nghe ý kiến của dân

Thực hiện chủ trương đối thoại trực tiếp với nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã Hóa Thượng đã cụ thể hóa bằng việc xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại trực tiếp với người dân định kỳ 2 lần/quý. Từ đầu năm đến nay, huyện và xã đã tổ chức được 12 cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với người dân các xóm trên địa bàn xã.

Đồng chí Phó Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã cho chúng biết: Từ năm 2015, khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội ban hành, xã đã tăng cường tổ chức đối thoại với nhân dân. Việc tổ chức đối thoại với nhân dân giúp chúng tôi nắm được những suy nghĩ, nhận thức của người dân đối với các quyết sách của chính quyền; kịp thời giải quyết những bức xúc trong dân, ngăn ngừa những tư tưởng lệch lạc và định hướng đúng cho người dân, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc tổ chức đối thoại của cấp ủy, chính quyền địa phương với người dân đã có nhiều đổi mới. Xã đang là trọng điểm quy hoạch khu trung tâm hành chính mới của huyện với diện tích gần 200ha phải giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng trực tiếp đến 5 xóm. Huyện và xã đã tổ chức rất nhiều cuộc đối thoại với dân. Nội dung đối thoại không chỉ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, mà còn trên tất cả các lĩnh vực từ tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, công chức xã đối với nhân dân đến thực hiện các chế độ, chính sách triển khai trên địa bàn… Đây thực sự là diễn đàn để nhân dân phản ánh trực tiếp, không mang tính hình thức. Qua đối thoại với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân đã thẳng thắn bày tỏ những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình trước các vấn đề bức xúc, lo lắng trong xã hội và những vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng của nhân dân.

Tập trung giải quyết kiến nghị

Bằng tinh thần cầu thị, cởi mở, tôn trọng nhân dân, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đã lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc những ý kiến, đề xuất của người dân. Những vụ việc, vấn đề mà người dân phản ảnh, nếu xét thấy có thể giải quyết sẽ giải quyết ngay.

Trao đổi cùng chúng tôi, bác Lương Thanh Hải, Trưởng xóm Luông cho biết thêm: Thực hiện dự án xây dựng khu trung tâm hành chính mới của huyện, xóm Luông có 40 hộ thuộc diện thu hồi cả đất, nhà ở; 20 hộ thu hồi một phần đất ở, đất canh tác. Từ năm 2017 đến nay, huyện và xã đã tổ chức 4 cuộc đối thoại với nhân dân của xóm. Mọi thắc mắc của người dân liên quan đến chế độ, chính sách, đặc biệt là giá đền bù, đất tái định cư đều được lãnh đạo cấp trên trả lời thấu đáo. Về cơ bản tôi thấy các ý kiến của người dân đã được giải đáp rõ ràng và có sự chỉ đạo giải quyết kịp thời những kiến nghị của nhân dân. Còn anh Nguyễn Công Đại, xóm Luông thì cho biết: Theo quy hoạch của dự án, gia đình tôi bị thu hồi cả nhà và diện tích đất nông nghiệp là trên 2500m2. Sau hội nghị đối thoại do huyện, xã tổ chức, tôi nắm rõ chủ trương của cấp trên, giá đền bù theo quy định của Nhà nước và đã nhận tiền đền bù ngay từ đầu. Gia đình tôi đã sang xã Cao Ngạn mua nhà. Vì toàn bộ đất ruộng bị thu hồi nên vợ chồng tôi chuyển đổi nghề sang chạy chợ. Số tiền được đền bù là gần 1,7 tỷ đồng tôi dùng nửa mua nhà, đất ở, còn lại gửi ngân hàng để tiết kiệm. Còn đối với gia đình bác Phạm Ngọc Thiệu, xóm Luông cũng thuộc diện thu hồi cả nhà và đất canh tác, bác nói: Lúc đầu tôi cũng thắc mắc về giá thu hồi đất ruộng, nhưng sau được giải đáp cụ thể tại buổi đối thoại nên giờ tôi cũng không băn khoăn gì nữa. Khi nào huyện, xã làm xong khu tái định cư, gia đình tôi sẽ chuyển sang đó bàn giao mặt bằng để triển khai dự án…

 Ngoài đối thoại với nhân dân liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các dự án, thủ tục vay vốn, chính sách bảo hiểm, thì xã Hóa Thượng còn phát phiếu lấy ý kiến nhận xét của nhân dân đối với các chức danh công chức của xã. Đây là một nội dung rất mới mà ít địa phương làm được. Về vấn đề này, đồng chí Phó Thị Thủy cho biết thêm: Đây là kênh thông tin quan trọng để chúng tôi đánh giá cán bộ, công chức. Trong các cuộc họp, lãnh đạo xã luôn nhấn mạnh: Cán bộ, công chức phải luôn xác định mình là người phục vụ. Vì thế, phải phục vụ nhân dân với tinh thần tốt nhất. Qua thu phiếu đánh giá, nhân dân đã phản ánh về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ địa chính, tư pháp, công an xã có lúc có nơi chưa đúng chuẩn mực. Lãnh đạo xã đã mời các đồng chí trên lên nhắc nhở, yêu cầu nghiêm túc tiếp thu để thay đổi tác phong trong khi tiếp xúc với người dân. Trước đó, năm 2015, xã đã cho 2 cán bộ địa chính và văn hóa xã nghỉ việc do vi phạm về nội quy, quy chế, làm sai các quy định. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ, công chức.

Có thể khẳng định thông qua việc tăng cường đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân ở xã Hóa Thượng, những vụ việc, vấn đề cần có thời gian để xác minh, làm rõ, lãnh đạo xã đã giao cho bộ phận chuyên môn tiếp thu, hẹn thời gian cụ thể giải quyết cho dân. Đối với những vấn đề, vụ việc mà người dân yêu cầu, phản ảnh chưa đúng với chủ trương, các quy định, chế độ chính sách hiện hành… thì được tuyên truyền, giải thích rõ ràng. Tăng cường tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và người dân cũng là cách mà xã Hóa Thượng “dân vận” linh hoạt, không những giải quyết vấn đề bức xúc trong nhân dân, hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo vượt cấp mà còn tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng được niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương.