Rời quân ngũ, trở về với đời thường, việc “áo, cơm” không phải chuyện “đùa” với nhiều cựu chiến binh (CCB), nhưng ý chí tự lực, tự cường đã thôi thúc, động viên các CCB khắc phục khó khăn, vượt lên chính mình, trở thành tấm gương sáng trong phong trào làm kinh tế giỏi.
Theo số liệu tổng hợp của Hội CCB tỉnh: Hiện toàn Hội có hơn 50 hội viên đạt lao động giỏi cấp Trung ương; hơn 150 hội viên đạt lao động giỏi cấp tỉnh; gần 350 HV đạt lao động giỏi cấp huyện và hơn 1.000 hội viên đạt lao động giỏi cấp xã. Để phong trào CCB gương mẫu làm kinh tế giỏi phát triển rộng rãi trên toàn tỉnh, Hội CCB chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan, tổ chức mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; kỹ năng quản lý vốn, kinh nghiệm sản xuất cho cán bộ, hội viên (trung bình mở 96 lớp/năm, với 5.000 lượt hội viên tham gia). Cùng với đó, Hội nhận ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh cho hàng nghìn hội viên, với số dư đạt hàng trăm tỷ đồng/năm.
Ông Hoàng Văn Trình, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 309 cơ sở hội, 3.231 chi hội, trong đó có 2.947 chi hội nông thôn, xóm, tổ dân phố; 284 chi hội khối, với tổng số hơn 71.700 hội viên. Kết quả phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi, trong 5 năm gần đây đã có gần 3.000 gia đình CCB thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn về kinh tế. Thông qua khảo sát từ cơ sở Hội, hiện trên địa bàn của tỉnh có 25 xã, phường, thị trấn không có gia đình CCB nghèo.
Chuyện CCB làm giàu, ông Bùi Văn Giảng, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Kim (Phú Bình) chia sẻ: Trên mặt trận phát triển kinh tế, nếu không quyết tâm thì sẽ không gặt hái được thành quả như mong đợi. Bằng việc vào cuộc tích cực của Hội và toàn thể cán bộ, hội viên, CCB xã Tân Kim đã giành được nhiều thắng lợi ở mặt trận làm giàu. Nếu như năm 2012, xã có 247 gia đình CCB được xếp vào diện kinh tế khá giàu, thì đến đầu năm 2018 có 336 gia đình CCB đạt tiêu chí hộ khá giàu (tăng 89 hộ).
Để minh chứng lời mình nói, ông Giảng đưa chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình CCB Vũ Văn Bản, xóm La Đuốc. Đó là một trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng, gà thịt, vườn cây ăn quả và vườn rừng. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm trang trại mang lại cho gia đình ông Bản hơn 300 triệu đồng tiền lãi. Ông Bản cho biết: Tôi đã khởi nghiệp bằng sự cần cù, chăm chỉ lao động và sử dụng có hiệu quả từng đồng tiền tích lũy nhỏ. Trong làm kinh tế, quan trọng phải có vốn đầu tư nên nhiều hộ dân trong vùng khó khăn, “đói vốn”, tôi cho vay con giống về nuôi, đến khi có sản phẩm mới nhận lại tiền bán giống.
Mỗi người có một cách làm giàu. Nhưng không phải ai cũng “thuận buồm mát mái”, CCB Nguyễn Văn Dũng, xóm Quang Trung, xã Bản Ngoại (Đại Từ) là một ví dụ. Ông từng là “bưởng vàng”, có trong tay bạc tỷ, song vì sa đà vào ma túy nên trở thành người trắng tay. Và ông đã tự đứng dậy ở chính nơi mình ngã. Sau khi tự cai nghiện thành công, ông miệt mài lao động, cùng vợ, con vực lại kinh tế gia đình. Ông tần tảo hôm sớm để cuốc đất trồng chè, trồng cây ăn quả, nuôi ong và làm ruộng, thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng/năm và 2,5 tấn thóc. Không chỉ có nhà xây 2 tầng, đồi cây ăn quả, đồi chè, gần đây ông còn mua được xe ô tô chở khách chạy tuyến Bắc - Nam.
Từ T.P Thái Nguyên, chúng tôi tiếp tục ngược đường lên huyện Định Hoá, về xóm Khẩu Cuộng, xã Thanh Định gặp CCB Nguyễn Trung Thành. Đang những ngày tháng Tám, mưa - nắng đỏng đảnh, đường vào nhà ông Thành lầm lội đất đỏ. Vừa gặp chúng tôi, ông Thành bảo: Vì tôi ở rừng nên đường vào khó hơn đường ở phố thị… Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm rừng, ông cho biết: Mất hơn 20 năm làm lụng, tích lũy tôi mới có được trong tay gần 30ha đất các loại, trong đó có 21ha đất đồi bãi để trồng rừng, còn lại là đất cấy lúa, trồng chè, ao thả cá và đất trồng cỏ chăn thả gia súc. Trên khu đất này, mỗi năm “đẻ” ra cho gia đình tôi 300 triệu đồng.
Chia tay ông Thành và các CCB xóm Khẩu Cuộng, chúng tôi sang xóm Pài Trận (Thanh Định), gặp CCB Ma Phúc Ngay. Ông Ngay là một trong số hàng nghìn CCB có tên trong danh sách CCB thoát nghèo của tỉnh trong thời gian 5 năm gần đây. Ông Ngay kể: Tôi có cuộc sống no đủ, không phải mặc áo vá như hôm nay cũng bởi Hội CCB xã phân công hội viên có kinh nghiệm làm kinh tế đến nhà giúp đỡ, tư vấn, bày cho cách làm mô hình chăn nuôi dê, trồng chè. Để có vốn đầu tư, Hội tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho tôi vay vay 20 triệu đồng, Chi hội cho vay tiền chân quỹ 5 triệu đồng. Tôi dành tiền này mua 25 con dê cỏ về nuôi. Dê lớn nhanh, mắn đẻ, không bệnh dịch, chẳng mấy đã đông đàn. Tôi đã bán được hơn 100 con dê thương phẩm, sản lượng đạt hơn 2.000kg, tổng số tiền thu về hơn 200 triệu đồng. Có tiền, tôi mua thêm 3 sào ruộng cấy lúa; 3 sào đất trồng chè và tiếp tục duy trì đàn dê sinh sản.
Vâng, tôi hiểu, ở cuộc sống đời thường, hầu hết các CCB luôn là tấm gương sáng trước các phong trào lớn do Đảng, Nhà nước phát động, trong đó có phong trào CCB gương mẫu làm kinh tế giỏi.