Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi

16:18, 07/06/2019

“Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sử dụng bia nhiều nhất thế giới. Ở nước ngoài dùng bia ai có nhu cầu tự rót. Còn ở Việt Nam thì ép nhau uống, cụng ly là phải uống hết, một văn hoá kỳ lạ, phải thay đổi văn hoá của người sử dụng, trước hết là từ truyền thông.” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Uống rượu là một nét đẹp văn hóa có từ lâu đời của người Việt. Nhưng hiện nay, nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi đã lạm dụng rượu, bia dẫn tới nhiều hệ lụy… Vì vậy, ngay từ bây giờ, mỗi cấp, mỗi ngành, các tổ chức, cá nhân và gia đình, nhất là những người đã và đang lạm dụng rượu, bia cần nhận thức đầy đủ tác hại của các loại đồ uống có cồn này để từng bước thay đổi hành vi trong sinh hoạt thường ngày.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an T.P Thái Nguyên kiểm tra nồng độ cồn.

Uống rượu là một nét đẹp văn hóa, hiện hữu trong sinh hoạt hằng ngày của người Việt. Ông cha ta có câu “Nam vô tửu như cờ vô phong”. Câu nói có nghĩa là đàn ông không uống rượu thì chẳng có khí phách. Ngày nay, trong điều kiện kinh tế phát triển và hội nhập, “uống rượu là đầu câu chuyện” của giới doanh nhân để gặp gỡ, tìm hiểu và hợp tác với nhau. Đối với nhiều người, uống rượu không chỉ để thấu hiểu, gia tăng tình cảm, đoàn kết mà còn là chất xúc tác cho sự phối hợp, hiệp đồng, cảm hứng sáng tạo trong lao động… Cho nên, người Việt uống rượu trong mỗi bữa ăn, vào dịp lễ, Tết, gặp mặt, trong tiệc cưới hay khi ký kết hợp đồng... Ngay cả khi người ta gặp chuyện không vui cũng uống chén rượu để giải sầu. Có thể nói rằng, uống rượu là một phạm trù văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người Việt. Đến giữa thế kỷ thứ XIX, bia xuất hiện ở Việt Nam và dần trở thành thức uống được ưa thích trong sinh hoạt của người Việt.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đời sống vật chất ngày càng đủ đầy thì một bộ phận người Việt lại sử dụng rượu, bia quá mức, hình thành thói quen xấu, thậm chí có không ít người nghiện rượu, bia. Hậu quả, rượu, bia là nguyên nhân gây ra hàng trăm loại bệnh tật, hiểm họa, gây mất trật tự an toàn xã hội; nguy cơ gây tai nạn giao thông, suy thoái giống nòi; là một trong những nguyên nhân của đói nghèo ở vùng cao, nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số… Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên toàn thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Bia, rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (60%); gây bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội (30%). Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai chịu tác động rượu bia rất lớn đến 70%, tác động trực tiếp và gián tiếp cho 200 loại bệnh...

Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đã thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 36 điều quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: Biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng và những nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tiếp tục được đưa ra thảo luận để thông qua. Trong quá trình thảo luận, các đại biểu có nhiều ý kiến khác nhau. Đặc biệt, sau khi Quốc hội tổ chức lấy ý kiến của đại biểu (chiều 3-6) về 3 nội dung để đưa vào dự thảo Luật, chỉ có một nội dung về khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình là tạo được sự đồng thuận, sẽ đưa vào luật. Nội dung quy định đối với người sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông và hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ đều không quá bán, nghĩa là cả hai phương án trên đều không được bổ sung vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Với kết quả trên, dư luận hiểu nhầm rằng Quốc hội chưa muốn chế tài, chưa muốn xử lý với người đã uống rượu bia vẫn sử dụng phương tiện giao thông. Nhưng không phải như vậy, pháp luật hiện hành như: Luật Giao thông đường bộ; Luật Đường sắt; Luật Giao thông thuỷ nội địa; Bộ Luật hình sự; Luật xử lý vi phạm hành chính... đã có nhiều quy định nghiêm cấm hành vi uống rượu, bia rồi sử dụng phương tiện giao thông, xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn. Nghĩa là chiểu theo các luật này, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia sẽ bị xử lý ở các mức khác nhau theo quy định của pháp luật. Và theo lịch làm việc của Quốc hội, toàn bộ dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia dự kiến được thông qua vào ngày 14-6.

Có thể thấy rằng, uống rượu, bia là một nét văn hóa của người Việt, nhưng để giữ gìn nét đẹp văn hóa này, chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân, gia đình và đặc biệt là mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ nhận thức đầy đủ, đúng đắn các nội dung của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mà còn phải thay đổi thói quen lạm dụng rượu, bia trong sinh hoạt hằng ngày. Mỗi người Việt Nam cần phải lấy việc uống rượu bia là để tạo niềm vui, không thúc ép người khác uống rượu, bia. Uống rượu phải trở lại đúng tập tục tốt đẹp trong sinh hoạt hằng ngày… Như các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7: Làm luật để hạn chế tác hại trong việc sử dụng, lạm dụng rượu, bia trong sinh hoạt đời sống hằng ngày, nên đẩy mạnh việc tuyên truyền, xây dựng ý thức của người dân, của cộng đồng, xã hội để giảm bớt việc tiêu thụ rượu, bia.