Xác định giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững, những năm qua, huyện Phú Bình đã triển khai hiệu quả các giải pháp giải quyết việc làm cho NLĐ.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Bình lần thứ 26 đề ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 3.000 lao động địa phương/năm. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện Phú Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được chú trọng. Huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, hội nghị tuyển dụng của doanh nghiệp hoặc lồng ghép tuyên truyền về việc làm vào các hội nghị ở xóm, xã. Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín trong cả nước đến tuyển dụng lao động. Hiện nay, Phú Bình là một trong số ít địa phương có các văn phòng tuyển dụng của những doanh nghiệp lớn đặt trên địa bàn, NLĐ có thể thuận tiện nộp hồ sơ, phỏng vấn và có thể được tuyển dụng ngay lập tức nếu đủ điều kiện.
Hằng năm, UBND huyện giao cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội khảo sát vấn đề cung – cầu lao động ở tất cả các xóm, tổ dân phố. Từ đó, xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND huyện giao chỉ tiêu về cho các xã. Để giúp NLĐ thay đổi tư tưởng thay đổi tư tưởng sợ đi lao động xa hay ngại đi học nghề, hàng năm, huyện Phú Bình đều tổ chức nhiều đợt tham quan, trải nghiệm ngày làm việc tại một số đơn vị như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên, Công ty TNHH Canon Việt Nam Chi nhánh Tiên Sơn (Bắc Ninh)… Huyện cũng chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh liên hệ với các doanh nghiệp ở các huyện, tỉnh lân cận để kết nối với NLĐ có nhu cầu.
Cùng với đó, phối hợp với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động địa phương đủ tiêu chuẩn tuyển dụng. Từ đó, NLĐ dần có nhận thức đúng về môi trường làm việc công nghiệp, mức thu nhập, các chế độ phúc lợi xã hội… Chị Nguyễn Thị Thìn, ở xóm Đồi Thông, xã Thanh Ninh (Phú Bình): Sau khi tham gia ngày trải nghiệm môi trường làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên tôi quyết định nộp hồ sơ xin ứng tuyển. Sau khi được tuyển dụng, tôi được công ty đào tạo. Hiện nay, mức thu nhập mỗi tháng của tôi đạt trên 8 triệu đồng.
Không chỉ ở cấp huyện, tại các xã, thị trấn, công tác giải quyết việc làm cho NLĐ cũng được đảng bộ, chính quyền quan tâm. Ông Nguyễn Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Kha Sơn (Phú Bình) cho biết: Tận dụng lợi thế là nằm trên trục đường chính liên tỉnh, liên huyện và gần các khu công nghiệp lớn, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người trong độ tuổi lao động tham gia các đợt tuyển dụng, phiên giao dịch việc làm do các doanh nghiệp tổ chức. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh, huyện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, mở cơ sở sản xuất trên địa bàn, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Với 6.000 người trong độ tuổi lao động, hiện nay trên địa bàn xã không có người thất nghiệp.
Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Phú Bình đã đạt được những kết quả khả quan. Nhiệm kỳ 2015-2020, tổng số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn huyện là trên 16.400 người, vượt 9,4% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 26 đề ra. Mỗi năm, có trên 120 người đi xuất khẩu lao động. Thu nhập bình quân của NLĐ trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ của huyện đạt khoảng 4-6 triệu đồng/người/tháng. Tính đến thời điểm này, tỷ lệ qua đào tạo của toàn huyện đạt 70,34% (tương đương mức trung bình toàn tỉnh).
Từ những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới huyện Phú Bình sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai các chương trình lao động, việc làm và dạy nghề gắn với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương; chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Đồng thời, từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; thường xuyên tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá nhu cầu về giáo dục nghề nghiệp, việc làm của NLĐ và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để kết nối tư vấn phù hợp cho NLĐ… Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, nâng cao thu nhập và thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương ngày càng phát triển.