Chung tay bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại

15:07, 01/06/2020

Thời gian qua, công tác trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em được cấc cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là đối với công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về vấn đề này.

PV: Hiện nay, vấn đề xâm hại trẻ em đang là chủ đề “nóng” trên các diễn đàn, được nhiều người dân quan tâm. Tại Thái Nguyên, thực trạng vấn đề này ra sao, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Văn Kiên: Những năm trở lại đây, vấn đề xâm hại trẻ em không chỉ người dân quan tâm mà đã được Quốc hội, Chính phủ đưa ra trao đổi, thảo luận tại các kỳ họp. Tại Thái Nguyên, từ năm 2015 đến 30-6-2019, toàn tỉnh có 162 trẻ em bị xâm hại (nữ: 125, nam: 37) dưới các hình thức: bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bỏ rơi… Riêng trong quý I-2020, trên địa bàn xảy ra 18 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 17 trẻ em bị xâm hại tình dục.

Đây mới chỉ là số liệu trẻ em bị xâm hại do cơ quan chức năng và các địa phương thống kê, ghi nhận. Trên thực tế, vẫn còn những trường hợp trẻ em bị xâm hại (các hành vi ngược đãi, bỏ mặc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em,…) chưa được tố giác, phát hiện thống kê kịp thời.

PV: Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với công tác phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Kiên: Là cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thời gian qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh về các đề án, chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em; triển khai các chính sách phòng, chống xâm hại trẻ em.

Để góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, những năm qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức triển khai nhiều hình thức: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, áp phích, tờ rơi, thông qua các buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề… Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống bạo lực học đường; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; quy trình can thiệp và trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo lực… Trung tâm Bảo trợ và Công tác Xã hội trực thuộc Sở có đường dây tư vấn miễn phí 1800 8080 để tiếp nhận và giải quyết các nội dung về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Tư vấn can thiệp, hỗ trợ cho các trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục. Đồng thời, khuyến khích người dân mạnh dạn và chủ động tố giác kịp thời những hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em...

PV: Theo ông, cộng đồng cần làm gì để giải quyết nguy cơ trẻ em bị xâm hại?

Ông Nguyễn Văn Kiên: Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, cần sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc nâng cao trách nhiệm, tăng cường quán triệt các nội dung về công tác bảo vệ trẻ em; đảm bảo thực hiện Luật Trẻ em và các quyền trẻ em một cách đầy đủ, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em và hậu quả của hành vi xâm hại trẻ em. Chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Đồng thời, vận động người dân dũng cảm tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Cần có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp xâm hại tình dục trẻ em...