Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10) hằng năm là dịp để gia đình, toàn xã hội ghi nhận những đóng góp cũng như quan tâm đến người cao tuổi. Với chủ đề “Chung tay chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi”, năm 2020, toàn cầu kêu gọi cộng đồng chung tay chăm sóc và tạo mọi điều kiện để người cao tuổi có được cuộc sống tốt đẹp để tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế người cao tuổi, những năm qua, Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc cả về vật chất và tinh thần cho người cao tuổi; tạo mọi điều kiện để người cao tuổi được tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương. Minh chứng rõ nét nhất là hiện nay, toàn tỉnh có gần 1,3 triệu dân (người cao tuổi chiếm gần 11% số dân) thì có tới 90% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hơn 2% (khoảng 27 nghìn) người cao tuổi tham gia công tác xã hội ở cấp xóm.
Không dừng lại ở đó, hoạt động tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng được cũng được tỉnh triển khai hiệu quả. Bắt đầu thực hiện thí điểm từ năm 2015, tại 5 xã của huyện Phú Lương và T.X Phổ Yên, đến nay, hoạt động này đã được nhân rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã được lồng ghép truyền thông chung với các hoạt động của công tác dân số, KHHGĐ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Nhờ vậy, khoảng 2 năm trở lại đây, tỷ lệ người cao tuổi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/lần đã đạt 44% trong tổng số người cao tuổi toàn tỉnh.
Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay, tuổi thọ bình quân của người dân trong tỉnh đạt khá cao (73,6 tuổi, cao hơn 2,5 tuổi so với các tỉnh trong khu vực) nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh còn thấp. Trung bình một người cao tuổi có thể mắc từ 2 đến 4 bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, xương khớp… Do đó, các hoạt động chăm sóc cho người cao tuổi vẫn rất cần được các cấp, ngành chức năng và toàn xã hội tiếp tục quan tâm. Thời gian tới, một trong những phần việc khá quan trọng của tỉnh là tuyên truyền về các văn bản của Nhà nước có liên quan đến chăm sóc người cao tuổi. Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; các chức sắc tôn giáo; người có uy tín trong cộng đồng… về cơ hội, thách thức đối với việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Từ đó góp phần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư cho việc chủ động thích ứng với già hóa dân số; xây dựng môi trường chăm sóc sức khỏe thân thiện với người cao tuổi, nhất là ở gia đình và cộng đồng.
Các cấp, ngành chức năng nên quan tâm nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi; đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của họ tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung; thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc, tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với người cao tuổi và gia đình có người cao tuổi. Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí, hình thức phù hợp.
Bên cạnh đó là tiếp tục tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi. Từng bước xóa bỏ các định kiến cũ về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các cơ sở tập trung (nhà dưỡng lão, trung tâm dưỡng lão…); các cơ quan, tổ chức, gia đình và cộng đồng không nên coi người cao tuổi là gánh nặng mà phải có nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng người cao tuổi ...