Trước thực trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn còn xuất hiện dưới nhiều hình thức, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực; thể hiện vai trò đại diện để chăm lo sức khoẻ và tinh thần hội viên, góp phần hướng tới một môi trường an toàn, bình đẳng.
Mấy năm trở lại đây, căn nhà của bà Nguyễn Thị Phúc, ở tổ dân phố Đình Cả 1, được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) chọn là “địa chỉ tin cậy” - nơi chị em phụ nữ có thể tạm lánh nhằm tránh rủi ro sức khỏe, tính mạng và giảm thiểu hậu quả của BLGĐ.
Là người trách nhiệm, nhiệt tình và có nhiều năm giữ vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, bà Phúc đã hoà giải mâu thuẫn, hàn gắn hạnh phúc cho nhiều gia đình ở tổ. “Không chỉ là nơi tạm lánh an toàn, mô hình còn là địa chỉ để chị em chia sẻ, tháo gỡ những mối bất hòa trong cuộc sống, đặc biệt là quan hệ vợ chồng.” - Bà Phúc nói.
Thông tin thêm về các “địa chỉ tin cậy”, bà Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Bình nói: Trên cơ sở rà soát, nắm tình hình BLGĐ, chúng tôi lựa chọn địa điểm phù hợp; phối hợp với chính quyền và các đoàn thể triển khai thực hiện. Trong đó, hội LHPN cơ sở chịu trách nhiệm chính trong việc tuyên truyền, vận động hội viên nòng cốt trở thành địa chỉ tin cậy. Đó là những người có uy tín trong cộng đồng, có kiến thức, kỹ năng và năng lực để hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.
Đối với địa phương vùng cao, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức hội phụ nữ ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và các kỹ năng của hội viên về phòng, chống LBGĐ, thông các buổi sinh hoạt định kỳ, hoạt động của câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Đồng thời xây dựng các mô hình điểm “Gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Hội LHPN xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) tập huấn cho cán bộ, hội viên nòng cốt các nội dung về phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực gia đình.
Chị Thân Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nhận thức của người dân, nhất là ở các xóm đặc biệt khó khăn được nâng lên rõ rệt; giảm thiểu các vụ việc LBGT, nhất là liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Mới đây nhất, có một trường hợp mâu thuẫn gia đình dẫn đến xung đột tại xóm Tân Thành. Khi nắm được thông tin, chúng tôi đã có biện pháp can thiệp, xuống tận nhà để hoà giải và tư vấn nên hai vợ chồng đã hoà thuận trở lại.
Xác định LBGĐ cần phải phát hiện và ngăn chặn sớm, do đó, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tập trung xây dựng các mô hình tuyên truyền, vận động hội viên và cả nam giới cùng tham gia.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 140 mô hình câu lạc bộ phổ biến, giáo dục pháp luật có nội dung phòng, chống BLGĐ. Thông qua sinh hoạt định kỳ, các mô hình này góp phần nâng cao ý thức xây dựng, giữ gìn, bảo vệ gia đình hạnh phúc bền vững; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các mâu thuẫn phát sinh dẫn đến hành vi bạo lực trong gia đình. Ngoài ra, các cấp hội trong tỉnh cũng đã xây dựng và duy trì hoạt động của 1.262 mô hình "địa chỉ tin cậy" ở cộng đồng.
Với cách làm “đến từng nhà, rà từng ngõ”, nắm bắt từng hoàn cảnh để có hướng tuyên truyền, động viên, can thiệp phù hợp, hội phụ nữ các cấp thực sự là điểm tự cho hội viên; góp phần gây dựng khối đoàn kết, giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư.