Ngăn tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

10:44, 10/12/2021

Trong phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội về thực hiện chính sách BHXH một lần, khắc phục hạn chế do quy định hiện hành, tháo gỡ những khó khăn chưa phù hợp với thực tiễn, đề xuất giải pháp chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhìn lại 15 năm với hai lần sửa đổi Luật BHXH, các cơ quan đều phải tính toán thiết kế lại việc hưởng BHXH một lần trong bối cảnh số lao động rút liên tục tăng.

Theo thống kê, năm 2006, cả nước có khoảng 240.000 người rút BHXH một lần; đến năm 2020 tăng lên gần 860.700, chiếm trên 5% số người tham gia BHXH.

Trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm có khoảng 651.000 người hưởng BHXH một lần dẫn đến số người tham gia BHXH tăng thêm chỉ khoảng 594.000; tức cứ hai người mới tham gia vào hệ thống thì một người rời đi.

Khoảng 97% người rút BHXH một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH, thuộc khu vực phổ thông.

Rút “một cục” giúp lao động giải quyết khó khăn trước mắt, song về lâu dài thì cách làm này lợi ít, thiệt nhiều khi quyền lợi bị ảnh hưởng lớn. Tới tuổi về hưu, người lao động có thể sẽ rất bấp bênh tài chính và đối diện nhiều rủi ro khác nếu không có lương hưu và không có thẻ bảo hiểm y tế. Khi đó, họ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới “mục tiêu BHXH toàn dân”.

BHXH là một trụ cột của an sinh xã hội, vì quyền lợi của người lao động và từ đó góp phần giúp xã hội ổn định, phát triển. Trên thực tế, đề xuất hạn chế nhận BHXH một lần đã được quy định tại Luật BHXH năm 2014 nhưng chưa thực hiện được vì có nhiều ý kiến phản hồi. Chính phủ sau đó phải kiến nghị Quốc hội sửa đổi theo hướng để người lao động tự chọn hưởng một lần hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.

Nhìn ở góc độ an toàn xã hội, hạn chế nhận bảo hiểm một lần là rất cần thiết. Từ góc độ người lao động, khi thấy quyền lợi của mình bị giảm, họ không đồng tình cũng là điều dễ hiểu. Do đó việc điều chỉnh luật là rất cần thiết, đáng lưu ý là các quy định về thời gian đóng để được hưu trí, mức đóng và chi trả; mức trợ cấp đối với bảo hiểm thất nghiệp…

Bên cạnh quy định của luật, điều quan trọng hơn là cần quan tâm đến hệ thống an sinh xã hội; tạo được nhiều việc làm để người lao động vượt qua khó khăn mà không phải dùng đến cách rút BHXH một lần.